Lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng đang sống lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết sẽ từ bỏ ngôi vị đứng đầu chính phủ lưu vong Tây Tạng nếu tình hình bạo động tại quê hương của ông trở nên tệ hại hơn. Nhà chức trách Trung Quốc đã cáo buộc ông là tổ chức các vụ bạo động tại Tây Tạng trong tuần trước. Từ New Delhi, phái viên Anjana Pasricha của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Nhà lãnh đạo của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng chọn lựa duy nhất của ông là từ chức nếu tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát ở Tây Tạng, nơi các cuộc biểu tình của các nhà sư Phật giáo biến thành bạo động trong tuần trước. Đức Đạt Lai Lạt Ma lên tiếng tại Dharamsala ở bắc bộ Ấn Độ, nơi đặt trụ sở chính phủ lưu vong của ông. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng cam kết của ông đối với việc sử dụng bất bạo động như một phương tiện đạt tới mục tiêu tự trị cho Tây Tạng vẫn không thay đổi từ nhiều năm nay.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng “Nếu mọi sự vượt ra ngoài tầm kiểm soát, thì chọn lựa duy nhất của ông là hoàn toàn từ nhiệm. Ông khẳng định rằng ông vẫn giữ nguyên lập trường cố hữu của mình.
Những người phụ tá của Đức Đạt Lai Lạt Ma sau đó đã nói rõ lại là ông sẽ tiếp tục là người lãnh đạo tinh thần của dân tộc ông, nhưng sẽ không lãnh đạo chính phủ lưu vong Tây Tạng nữa. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lãnh đạo một phong trào đòi tự do thêm cho người Tây Tạng kể từ khi ông bỏ tổ quốc ra đi vào năm 1959, tiếp theo một cuộc nổi dậy bất thành chống lại sự cai trị của Trung Quốc.
Nhưng sau 5 thập niên, nhiều người Tây Tạng sống lưu vong trẻ tuổi hơn, cấp tiến hơn đã trở nên ngày càng bất bình trước cam kết theo đuổi mục tiêu của ông bằng một đường lối hòa bình. Họ cho rằng phương pháp đó đã không đạt được kết quả. Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục kêu gọi bình tĩnh và nói rằng bạo động là đi ngược với bản chất của con người. Ông nói rằng người Tây Tạng và Trung Quốc cần phải sống chung với nhau. Đồng thời, ông nói rằng phong trào đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát và ông không ở trong vị thế ra lệnh cho người Tây Tạng đang sống dưới ách cai trị của Trung Quốc, phải làm thế này hay thế khác.
Một lần nữa, Đức Đạt Lai Lạt Ma bác bỏ những lời cáo buộc của Trung Quốc cho rằng ông đã kích động các cuộc bạo động mới đây ở Tây Tạng. Ông nói rằng ông hoan nghênh nhà cầm quyền Trung Quốc đến Dharamsala để điều tra tường tận xem ông có đóng một vai trò nào trong việc gây rối hay không.
Trong khi đó, một phát ngôn của chính phủ lưu vong Tây Tạng, ông Thubten Samphel, nói rằng nhân dân ở Tây Tạng cho biết bạo động lại bùng ra ngày hôm nay.
Người phát ngôn này cho biết sáng nay ở một địa điểm gọi là Machi, một quận thuộc tỉnh Cam Túc, đã có những người biểu tình và họ đã bị bắn, và 19 người Tây Tạng đã bị thiệt mạng. Phát ngôn viên này chưa có được chi tiết. Không có cách nào để kiểm chứng thông tin một cách độc lập.
Chính phủ lưu vong Tây Tạng nói rằng có gần 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo động ở Tây Tạng. Trung Quốc cực lực bác bỏ điều này và nói số tử vong thấp hơn nhiều.