Trung Quốc đã nâng số tử vong chính thức trong các cuộc bạo động tại Lhasa hôm thứ sáu tuần rồi, khi các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại sự cai trị của Trung Quốc tại Tây Tạng biến thành bạo động. Nay họ thừa nhận rằng đã có 13 người thiệt mạng. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh cuộc khẩu chiến nhắm vào lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng đang sống lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Từ Bắc Kinh, phái viên Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.
Lhasa đã có điện trở lại và các giới chức Trung Quốc cho hay họ đã vãn hồi an ninh cho thành phố này. Chủ tịch khu tự trị Tây Tạng Champa Phuntsok là một người gốc Tây Tạng do chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm. Giới chức này nói với các phóng viên tại Bắc Kinh rằng những người Tây Tạng gây bạo động đã đi phá phách ở Lhasa hôm thứ sáu và giết hại 13 người dân vô tội.
Ông Phunsok nói: "Giới chức này nói rằng những vụ bạo động nhắm mục đích chia rẽ đất nước, phá hoại tình đoàn kết và gây phương hại cho nền ổn định xã hội của Tây Tạng."
Lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng đang sống lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tìm cách thương nghị để cho vùng Hy Mã lạp sơn hẻo lánh nằm bên trong lãnh thổ Trung Quốc được tự trị. Nhưng chính quyền Trung Quốc nhiều lần cáo buộc ông là đòi độc lập cho Tây Tạng. Từ tư thất của ông ở Dharmsala bên Ấn Độ, nơi ông đang sống lưu vong, hôm qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không gửi một thông điệp trực tiếp nào đến những người biểu tình ở Trung Quốc. Nhưng ông nói rằng ông vẫn có cam kết với việc biểu tình một cách ôn hòa.
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ nguyên tắc bất bạo động. Nếu người Tây Tạng sử dụng bạo lực, theo con đường bạo động thì tôi không thể tán thành.”
Trong những năm gần đầy, giới trẻ tuổi ở Tây Tạng đã nêu thắc mắc về các phương pháp bất bạo động của Đức Đạt Lai Lạt Ma vì càng ngày họ càng bất mãn với sự thống trị của Trung Quốc tại Tây Tạng. Trên đường phố Bắc Kinh, không dễ gì tìm ra được người muốn bàn đến những diễn biến mới đây ở Lhasa. Một phụ nữ tiêu biểu nói rằng bà không rõ lắm về tình hình.
Người phụ nữ này nói bà tin rằng chính phủ Trung Quốc có khả năng đối phó với vấn đề. Một người biết được về tình hình nhờ xem tin tức trên đài truyền hình nhà nước, nhưng không đưa ra lời bình và vội vã bỏ đi.Một phụ nữ khác, người gốc Tây Tạng, nói rằng bà không tin vào những lời cáo buộc của chính phủ chống lại Đức Đạt lai Lạt ma.
Người phụ nữ thứ hai này nói bà không luôn luôn tin tưởng vào mọi điều chính phủ nói. Bà nói rằng bà hiểu được cảm nghĩ của những người biểu tình tại Lhasa, nhưng bà sẽ không theo họ.Nhà chức trách Trung Quốc đã định kỳ hạn cho những người biểu tình là nửa đêm hôm nay phải đầu hàng nếu không muốn bị trừng phạt nghiêm khắc.
Ông Weran Jiang, một giáo sư môn chính trị học tại trường đại học Alberta ở Canada, nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc phải đối phó với một vấn đề gay go trong việc quyết định các biện pháp sắp tới.
Ông Jiang nói: “Tôi chắc chắn rằng vào ngay thời điểm này thì việc cứu xét tình hình đang được xúc tiến ráo riết, và có lẽ đang có những tranh luận nội bộ. Điều mang lại lợi ích tốt nhất cho nhà cầm quyền Trung Quốc vào lúc này là giảm thiểu tối đa mọi thiệt hại đến hình ảnh của họ trước khi diễn ra Thế vận hội.”
Trung Quốc đăng cai Thế vận hội vào tháng 8 năm nay.