Mỹ: Bắc Triều Tiên cần đưa ra 'tín hiệu rõ ràng' về chương trình hạt nhân

Đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Triều Tiên nói rằng Washington phải nhận được một bản kê khai đầy đủ về các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trước khi Hoa Kỳ có thể đưa Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách của Hoa Kỳ liệt kê những nước bảo trợ khủng bố. Một vị đại sứ Hoa Kỳ nói rằng Bắc Triều Tiên đã không gửi đi một tín hiệu rõ ràng là họ có ý định làm theo những điều mà họ đã hứa. Phái viên Kurt Achin của đài VOA tại thủ đô Hán Thành gởi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Hôm nay, đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Triều Tiên, ông Alexander Vershbow, nói rằng việc Bắc Triều tiên trì hoãn cung cấp một bản kê khai hạt nhân như đã hứa đang khiến cho Washington nản lòng.

Ông Vershbow nói: “Mọi người đang ngày càng mất kiên nhẫn và chúng tôi muốn đối phó với tình hình đó.”

Trong các cuộc hội đàm 6 bên hồi năm ngoái, Bắc Triều tiên đã đồng ý cung cấp một bản kê khai đầy đủ và chính xác tất cả các hoạt động hạt nhân và kho dự trữ hạt nhân của họ trước năm 2008. Các nhà thương thuyết của các nứơc Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Triều Tiên vẫn đang chờ văn kiện này.

Sự khai báo này là một phần trong một thoả thuận gồm nhiều giai đoạn để có sự trao đổi về sự hỗ trợ năng lượng và những tưởng thưởng về ngoại giao với Bình Nhưỡng cho để từng bước tiến tới việc chấm dứt toàn bộ các khả năng hạt nhân của họ.

Bắc Triều Tiên đã thực hiện các bước nhằm vô hiệu hóa cơ sở chính sản xuất plutonium của họ tại Yongbyon và đã nhận được hàng trăm ngàn tấn dầu thô từ Hoa Kỳ và các nước đối tác của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một vài chuyên gia nói rằng Bình Nhưỡng đang do dự trong việc khai báo vì Washington nhất mực buộc Miền Bắc phải giải thích về các hoạt động có liên quan đến uranium mà Bình Nhưỡng chưa hề thừa nhận một cách công khai từ trước tới nay.

Trong giai đoạn này của thỏa thuận 6 nước, Hoa Kỳ cam kết bãi bỏ một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên và gạt nước này ra khỏi danh sách các quốc gia bị cáo buộc bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Cả hai bước này đều mở đường cho miền Bắc nghèo khó nhận một vài hình thức viện trợ và đầu tư mà hiện nay đang còn bị cấm vận. Đại sứ Vershbow nói rằng Washington đang sẵn sàng để hoàn tất tiến trình, nhưng Bắc Triều tiên cần phải hành động một cách cương quyết.

Ông Vershbow nói: “Chúng tôi sẵn sàng để làm việc ấy, nhưng chúng tôi chưa thể thực hiện ngay bây giờ mà phải chờ đến khi nào chúng tôi thấy có một dấu hiệu rõ ràng từ phía Bắc Triều tiên rằng họ sẽ làm phần việc của họ có liên quan tới việc khai báo.”

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Triều Tiên tất cả đều đã hứa mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ với Bắc Triều tiên, một khi Bình Nhưỡng hoàn tất quá trình đã cam kết trong hội nghị 6 bên về việc loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ. Hoa Kỳ và Nhật Bản nói rằng họ sẽ bình thường hoá quan hệ ngoại giao, với khả năng mở đường cho viện trợ đáng kể về tài chính.

Tân Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak cũng đã hứa sẽ giúp nhanh chóng tăng thu nhập bình quân tính theo đầu người lên gấp đôi cho miền Bắc phi hạt nhân.