Chính phủ Nam Triều Tiên của Tổng thống Lee Myung Bak kêu gọi Bắc Triều Tiên cải thiện tình trạng nhân quyền và cam kết hợp tác với Liên hiệp quốc trong vấn đề này. Diễn tiến vừa kể đi ngược với đường lối của các chính phủ trước đây ở Nam Triều Tiên là không đề cập tới những vụ vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên để tránh gây bực giọc cho Bình Nhưỡng. Từ Hán Thành, thông tín viên Kurt Achin của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật sau đây.
Như đã cam kết trong thời gian vận động tranh cử, tân Tổng thống Lee Myung Bak của Nam Triều Tiên đã nâng cao vị thế của chính sách về vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên.
Ông Park In Kook là thứ trưởng ngoại giao của Nam Triều Tiên đặc trách tổ chức quốc tế và các vấn đề toàn cầu. Hôm qua, ông đã phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneve rằng đã đến lúc Bắc Triều Tiên cần phải thực hiện những biện pháp để cải thiện thành tích nhân quyền.
Ông Park nói: "Nước Đại Hàn Dân Quốc chúng tôi luôn xem nhân quyền là một giá trị phổ cập. Chúng tôi kêu gọi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên áp dụng những biện pháp thích đáng để giải tỏa mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với sự kiện là tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên chưa được cải thiện."
Các cuộc nghiên cứu độc lập cho thấy Bắc Triều Tiên là một trong những nước có thành tích nhân quyền tệ hại nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu nói rằng hàng trăm ngàn người Bắc Triều Tiên đang bị giam ở các trại lao động cải tạo - chỉ vì bản thân họ hoặc người trong gia đình họ phạm phải một lỗi lầm nhỏ về mặt chính trị. Có tin cho hay: những vụ xử tử công khai và cưỡng bách phá thai thường xuyên xảy ra ở quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản này.
Phát biểu của ông Park In Kook tại Geneve đánh dấu một sự chuyển hướng đối với chính sách của hai vị tổng thống trước đây của Nam Triều Tiên - là Kim Thê Jung và Roh Moo Hyun: đó là giữ thái độ hầu như yên lặng hoàn toàn về tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Đường lối, vốn là một phần của chính sách thường được gọi là chính sách Ánh Dương, xem quan hệ Liên Triều là một mối quan hệ đặc thù và cần được xử lý một cách tế nhị. Những người ủng hộ chính sách này nói rằng: về lâu về dài thì việc chủ động giao tiếp với Bình Nhưỡng trong hòa bình, thay vì áp dụng đường lối cứng rắn và có tính chất đối đầu, sẽ có hiệu quả hơn trong việc mang lại những sự thay đổi ở Bắc Triều Tiên.
Dựa theo chính sách vừa kể, Nam Triều Tiên đã quyết định bỏ phiếu trắng trong một số những cuộc biểu quyết của Liên hiệp quốc nhằm yêu cầu Bắc Triều Tiên cải thiện nhân quyền.
Tuyên bố mới đây của thứ trưởng ngoại giao Park In Kook cho thấy rằng Hán Thành có thể sẽ bỏ phiếu ủng hộ những nghị quyết tương tự trong tương lai.
Ông Park nói: "Hội đồng nhân quyền cần có những cơ chế thích đáng để ứng phó một cách có hiệu quả đối với những vụ vi phạm nhân quyền bừa bãi và liên tục. Những nghị quyết nhắm vào những nước cá biệt chính là cơ chế được lập ra để phục vụ cho mục tiêu này, để thúc đẩy hệ thống Liên hiệp quốc và các nước liên hệ thực hiện những hành động cần thiết."
Các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng ca ngợi sự chuyển hướng của Nam Triều Tiên. Họ nói rằng việc ông Park In Kook đề cập tới nhân quyền như một giá trị phổ quát là một dấu hiệu rất đáng mừng và họ hy vọng rằng chính sách nhân quyền của Nam Triều Tiên có thể được hình thành một cách độc lập, chứ không lệ thuộc vào các yếu tố chính trị. Bà Kay Seok, đại diện của tổ chức Human Rights Watch ở Hán Thành cho biết bà thật sự ngạc nhiên trước tuyên bố vừa kể của ông Park In Kook.
Bà Seok nói: "Nếu tôi chỉ xem lời phát biểu đó mà không biết rằng đó là tuyên bố của chính phủ Nam Triều Tiên, hoặc tôi xem phát biểu đó cách đây hai tuần, thì tôi sẽ nghĩ rằng đó là phát biểu của một tổ chức tranh đấu cho nhân quyền."
Tổng thống Lee Myung Bak cho biết trong nay mai, Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên -- cơ quan chính phụ trách vấn đề chính sách đối với Bắc Triều Tiên, sẽ lập ra một văn phòng chuyên theo dõi vấn đề thực hành của Bắc Triều Tiên trong lãnh vực nhân quyền.