Biện pháp ngăn lạm phát của VN: 'Thô' nhưng có thể đạt hiệu quả lâu dài

Giám đốc phụ trách Việt Nam của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu nói rằng các biện pháp ngăn chặn lạm phát của Việt Nam trong thời gian qua xem có vẻ 'thô' nhưng có thể đạt được hiệu quả lâu dài.

Theo tin của hãng thông tấn Reuters, trong thời gian qua Ngân Hàng Nhà Nước, tức ngân hàng trung ương của Việt Nam, đã áp dụng các biện pháp như tăng lãi suất và tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc để ngăn chặn tỉ lệ lạm phát gia tăng.

Tỉ lệ lạm phát đã không ngừng gia tăng tại Việt Nam kể từ cuối năm ngoái, và đã tăng lên mức 16% trong tháng 2 vừa qua.

Phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á của Singapore, ông Ayumi Konishi, giám đốc phụ trách Việt Nam của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, nói rằng do không có 'những công cụ tinh vi', nên các biện pháp mà chính phủ Việt Nam áp dụng trông có vẻ 'hơi thô' và thị trường đã phản ứng ngay lập tức.

Ông Konishi đã dẫn chứng việc thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đã giảm 30% trong năm nay khi nhà nước thắt chặt các chính sách tiền tệ.

Ông Konishi nói rằng trong giai đoạn ngắn hạn thị trường sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những cảm tính tức thời, nhưng trong tình trạng thị trường tài chính bất ổn như vậy, cần thiết phải có những biện pháp kiểm soát ở tầm vĩ mô để đối phó với những vấn đề lớn như lạm phát và thâm thủng tài khoản vãn lai tăng. Và hiệu quả từ những biện pháp đó sẽ tạo được niềm tin ở giới đầu tư đối với tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn.

Ông Konishi dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể vẫn đạt được mức trên 8% trong năm nay, ngay cả trong trường hợp kinh tế Mỹ bị rơi vào tình trạng suy thoái. Mỹ tiêu thụ đến 20% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, và hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này.