Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo giới hữu trách Việt Nam rằng nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang lên cơn sốt. Tổ chức tài chánh hàng đầu thế giới này đề nghị Việt Nam áp dụng một chế độ hối đoái linh hoạt hơn và kiểm soát những hoạt động cho vay thiếu cẩn thận của các ngân hàng thương mại để kiềm chế tỉ lệ lạm phát.
Theo nhật báo Financial Times ở Anh, Phó Giám đốc bộ phận Châu Á Thái bình dương của IMF, ông Shogo Ishii nhận định trong một bài viết đăng trên trang nhà của IMF rằng: ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam đang lên cơn sốt, đe dọa tới sự tăng trưởng lâu bền trong trung hạn.
Trong các cuộc họp với các giới chức cao cấp của chính phủ Việt Nam hồi tuần trước, đại diện IMF ở Việt Nam, ông Benedict Bingham đề nghị giới hữu trách áp dụng việc gia tăng lãi suất có kiểm soát, thay vì đề ra những chỉ tiêu định lượng, để ngăn chận đà gia tăng tín dụng - vốn đã tăng khoảng 50% trong năm 2007.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ hai, ông Bingham cũng nói rằng một chế độ hối đoái linh động hơn sẽ giúp cho chính sách tiền tệ có hiệu quả hơn để kiểm soát nạn lạm phát và giảm bớt tình trạng mất cân bằng trong thị trường hối đoái hiện nay.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng kêu gọi chính phủ ở Hà Nội gia tăng những hạn chế đối với hoạt động vay tiền của các doanh nghiệp nhà nước, và giảm thiểu mức thâm hụt trong cán cân thương mại.
Các khuyến nghị của IMF được đưa ra trong lúc giới hữu trách Việt Nam chật vật đối phó với nạn vật giá leo thang, phát sinh một phần từ sự tăng mạnh của giá nhiên liệu và thực phẩm trên thị trường thế giới. Tỉ lệ lạm phát trong tháng Hai vừa qua đã lên tới 15,7%, làm gia tăng những vụ tranh chấp lao động, đặc biệt là trong giới công nhân nhà máy đang than phiền về việc lương bổng không đủ sống.
Theo nhận xét của phái viên Amy Kazmin của tờ Financial Times, giới hữu trách Hà Nội lâu nay vẫn tìm cách gắn liền tỉ giá tiền đồng với đô la Mỹ vì Hoa kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, khiến cho chỉ tệ của Việt Nam được định giá thấp. Nhưng Trung Quốc lại là nước cung ứng hàng hóa nhiều nhất cho Việt Nam, cho nên tình trạng này đã khiến cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và làm tăng thêm áp lực lạm phát.