Thông tấn xã AFP đưa đi từ Hà Nội một bản tin đúc kết các hoạt động trên mạng, cho rằng sau 10 năm có mặt, internet đã mang lại cả hy vọng lẫn rắc rối cho các thành phần bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Tác giả bài viết cho rằng số người sử dụng internet đã lên tới chừng 18 triệu – nghĩa là hơn 20% dân số Việt Nam, đưa Việt Nam lên hàng 20 nước đứng đầu về số người sử dụng internet. Các quán cà phê internet đông đầy những thanh thiếu niên ghiền các trò chơi trên mạng, hoặc dùng các máy điện toán đó để chat với nhau.
Vẫn theo thông tín viên AFP thì mạng điện tử toàn cầu đã mở ra một không gian mới cho các thành phần bất đồng tại quốc gia Cộng Sản vẫn còn nắm trọn quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông như Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên viên về Việt Nam tại học viện quốc phòng Úc nhận xét rằng Internet là phương tiện xúc tác chủ yếu đưa tới chỗ hình thành nhóm tranh đấu mệnh danh là 8406. Nhóm tranh đấu đó gồm 118 người ký tên thành lập vào ngày 8 tháng tư năm 2006 và vẫn là nhóm bị nhà cầm quyền cấm hoạt động.
Ngoài ra, cũng theo lời Giáo Sư Thayer được thông tín viên AFP trích lại, thì Internet còn là một nguồn thông tin về những vấn đề mà nhà cầm quyền Việt Nam coi là nhạy cảm đến độ không muốn thảo luận công khai, tỉ như các quan hệ với Trung Quốc hoặc một hệ thống chính trị đa đảng.
Có điều là dù internet được nhiều người Việt Nam theo dõi, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn rất giới hạn bởi vì chẳng có mấy người ở nông thôn có được phương tiện nầy. Ấy là chưa kể - theo lời phái viên AFP - chính quyền vẫn cố kiểm soát những tin tức trên mạng.
Tổ chức tranh đấu quốc tế mệnh danh là “Phóng viên không biên giới” đã mạnh mẽ phê phán hành động kiểm soát đó. Một tuyên bố do tổ chức tranh đấu đặt trụ sở ở Paris đưa ra nói rằng trong 10 năm qua, Việt Nam đã áp dụng chế độ kiểm duyệt trên internet, ngăn cấm các địa điểm liện hệ tới chính trị và tôn giáo khiến cho cả những người bày tỏ ý kiến trên mạng, lẫn các ký giả, đều gặp phải nhiều vấn đề khó khăn như nhau.
Tổ chức Phóng viên không biên giới những tưởng tình trạng sẽ khá hơn sau khi Việt Nam được nhận vào WTO hồi đầu năm; nhưng trái lại, năm nay lại là năm mà những phần tử bất đồng bị bắt bớ nhiều nhứt kể từ năm 2002 vì internet.
Tám người trong số nầy đang bị cầm tù, trong đó có 2 Luật Sư: ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công Nhân. Hai người nầy, theo bài viết của AFP, vừa được toà giảm 1 năm trong án đã tuyên, nhưng họ vẫn còn ở tù.