Đường dẫn truy cập

Tường trình tại Hạ viện Mỹ về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam


Nhóm Dân biểu quan tâm đến tình hình Việt Nam đã tổ chức một buổi tường trình vào sáng thứ Năm tại trụ sở Quốc Hội. Huy Phương của ban Việt ngữ đến nghe và ghi lại:

Buổi tường trình hôm thứ Năm để gọi là 'Cập nhật về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam' được đặt dưới sự chủ trì của Dân Biểu Loretta Sanchez, Phó Trưởng Nhóm Dân Biểu Quan Tâm Đến Tình Hình Việt Nam; cùng với sự tham gia của đại diện một số Dân Biểu, như Tom Lantos Của Đảng Dân Chủ và Frank Wolf của đảng Cộng Hòa. Bà Loretta Sanchez cảm ơn các khách đến dự và cho biết:

"Buổi tường trình này quan trọng, đặc biệt quan trọng đối với các bạn đồng viện của tôi, trong tiến trình của chúng tôi nhằm gây thêm ảnh hưởng để phía chính phủ thấy là cần phải đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo."

Bà cho biết đã trở lại Việt Nam hồi tháng tư năm nay và thấy nhiều bằng chứng là Việt Nam đang rơi trở lại với những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Vì thế, bà quan tâm khi thấy Bộ Ngoại Giao Mỹ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC hồi tháng 11 năm ngoái.

Bà cũng cho biết là trước chuyến đi tháng Tư năm nay, bà đã bị chính phủ Việt Nam 3 lần từ chối cấp thị thực nhập cảnh vì đã phát biểu công khai và mạnh mẽ những quan tâm của bà về những vi phạm nhân quyền và tôn giáo của Việt Nam. Trong chuyến đi đó, nhà chức trách Việt Nam đã ngăn cản bà con của một số nhân vật bất đồng chính kiến được bà mời đến gặp bà tại tư gia của đại sứ Mỹ.

Bà cũng nhắc đến trường hợp của Linh muc Tađêo Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước tòa, và mới đây nhất, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ hai công dân Mỹ, thành viên của Đảng Việt Tân, là những người hoạt động dân chủ một cách ôn hòa. Vì thế bà hy vọng bộ Ngoại Giao Mỹ nên nghiêm túc xét đến chuyện tái chỉ định Việt Nam vào danh sách CPC.

Ông John Hanford, Đặc sứ về Tôn giáo của Bộ Ngoại Giao là người đầu tiên phát biểu. Ông cho biết nếu xét về mặt nhân quyền một cách tổng quát thì Việt Nam vẫn còn một số vấn đề, nhưng nếu chỉ xét riêng về mặt tự do tôn giáo, phía chính phủ Hoa Kỳ tin rằng Việt Nam không rơi vào những tiêu chuẩn mà Bộ Luật Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ đã qui định; để có thể tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách CPC. Vì lý do đó, Bộ Ngoại Giao mới đề nghị rút tên Việt Nam khỏi danh sách CPC.

Ông Hanford nói: "Việc chỉ định một quốc gia vào danh sách CPC là một công cụ ngoại giao quan trọng của chính phủ Hoa Kỳ nhằm giúp thăng tiến tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Công cụ này không có tham vọng giải quyết những mục tiêu rộng lớn hơn. Một số tu sĩ tại Việt Nam đã bị cầm tù vì những hoạt động có liên quan đến chính trị. Họ bị giam giữ bất công và nhân quyền của họ bị vi phạm, và phía chúng tôi vẫn tiếp tục bênh vực cho họ ở cấp bực cao nhất. Nhưng các trường hợp này được coi là tù chính trị thay vì là trường hợp bị bách hại vì tôn giáo. Chính vì sự phân biệt này mà phía bộ Ngoại Giao chúng tôi đã đề nghị rút tên Việt Nam khỏi danh sách CPC."

Đặc sứ về tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết: từ năm 2005 đến nay, đã có 17 tổ chức tôn giáo thuộc nhiều phái đã được chính phủ Việt Nam công nhận. Vấn đề đăng ký của các tổ chức tôn giáo cũng được nới lỏng, ví dụ chính quyền không còn buộc phải nộp danh sách tín đồ. Ông cho biết, trong chuyến đi Việt Nam năm 2002, ông có đưa ra danh sách 45 người bị giam cầm vì lý do tôn giáo, sau đó có một số người đã được giảm án tù, trong đó có Linh mục Nguyễn Văn Lý; và cho đến tháng 9 năm ngoái thì danh sách đó đã được trả tự do coi như toàn bộ.

Đặc sứ Hanford xác nhận chính phủ Mỹ cũng nêu vấn đề một số quan chức địa phương đã đánh đập các tín đồ tôn giáo hoặc buộc các tín đồ này phải bỏ đạo; và phía chính phủ Việt Nam cũng có hứa sẽ có biện pháp với các quan chức địa phương đó.

Dịp này, bà Dân Biểu Sanchez cũng đặt vấn đề là tại sao Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn chưa được công nhận và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vẫn còn bị hạn chế trong việc đào tạo các tu sĩ.

Đặc sứ Hanford xác nhận một số nhà lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn còn bị hạn chế, vì chính phủ cộng sản Việt Nam xem các vị này là những người hoạt động chính trị; trong khi các Phật tử của giáo hội này vẫn hành đạo một cách bình thường. Về trường hợp đạo tạo các tu sĩ Công Giáo thì Đặc sứ Hanford cho biết trong những năm gần đây, tình hình đã khá hơn.

Sau phần trình bày và đặt câu hỏi đại diện bộ Ngoại Giao là phần trình bày của ông Leonard Leo, thành viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, là người mới đi Việt Nam hồi cuối tháng 10. Ông Leo cho biết: các điều kiện về tự do tôn giáo tại Việt Nam đã cải thiện kể từ năm 2004; tuy nhiên, ông nói:

"Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ vẫn hoài nghi về tình hình hiện nay, nhất là trong bối cảnh của đợt đàn áp mới đây, nhắm vào những người bất đồng chính trị và tôn giáo bày tỏ thái độ một cách ôn hòa. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ tin rằng tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng vẫn chưa đạt mức mong đợi, nhất là khi chúng ta xét đến những nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế là sẽ bảo vệ quyền tự do tư tưởng, tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Ủy ban chúng tôi đề nghị Hoa Kỳ phải có chung tiếng nói mạnh mẽ, nhất quán trong vấn đề nhân quyền, trong đó có tự do tôn giáo."

Buổi tường trình về tình hình tự do tôn giáo còn được tiếp tục với phát biểu của ông Chris Seiple, chuyên viên của Viện Giao Tiếp Toàn Cầu, ông T. Kumar, đại diện Hội Ân Xá Quốc Tế, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Ủy ban Cứu Người Vượt Biển, và ông Sereivuth Prak, đại diện của tổ chức Khmer Kampuchea-Krom.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG