Dư luận phản ứng tích cực đối với hiệp ước hợp tác Nam-Bắc Triều Tiên

  • Kurt Achin

Dư luận Nam Triều Tiên đã có phản ứng tích cực đối với hiệp ước hợp tác ký hết tại Hội nghị thượng đỉnh với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên các chuyên gia khu vực đã thắc mắc là liệu những ý tưởng trên giấy tờ có được thực hiện trong thực tế hay không. Thanh Trang sẽ trình bày thêm các chi tiết dựa theo bài tường trình của phái viên Kurt Achin của Đài VOA gởi về từ thủ đô Hán Thành.

Nhìn chung, báo chí Nam Triều Tiên đã tỏ ra tích cực đối với tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều của Tổng thống Nam Triều Tiên, ông Roh Moo-hyun và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Il.

Nhật báo Joong Ang của thủ đô Hán Thành cho hay tuyên bố này mang những nội dung đặc biệt chưa từng có, và là bước đầu tiên để loại bỏ cơ sở tạo ra tình trạng bất an của bán đảo Triều Tiên. Nhật báo Han kyo reh thì cho biết tuyên bố này đầy đủ và cụ thể hơn những gì mà nhiều người từng mong đợi.

Về mặt lý thuyết, hai miền Bắc và Nam Triều Tiên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh. Ba năm chiến tranh đã được chấm dứt bởi một lệnh ngưng bắn vào năm 1953 sau khi Miền Bắc xâm lăng Miền Nam. Hiệp ước hợp tác được ký kết hôm thứ Năm tại Bình Nhưỡng qui định việc thực hiện những nỗ lực để sắp đặt một nền hòa bình trường cửu để thay cho hiệp định ngưng bắn.

Khi ký vào hiệp ước ngày hôm qua, ông Kim Jong Il lần đầu tiên đích thân cam kết thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Qua hiệp ước này Bắc Triều Tiên cam kết hợp tác để thực thi những hiệp định để tháo dỡ toàn bộ các cơ sở hạt nhân.

Ông Dan Pinkston của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế là một nhà phân tích các vấn đề Đông Bắc Á làm việc tại Hán Thành. Ông Pinkston nói rằng việc thực thi các hiệp định sẽ là một thách thức lớn, tuy nhiên ông cũng ca ngợi việc hai nước đã tạo ra những điều kiện cho những cuộc gặp gỡ và đối thoại.

Ông Pinkston nói: “Quá trình là một vấn đề quan trọng ở Châu Á. Cho nên việc này quan trọng hơn những kết quả thực sự về mặt pháp lý hoặc khế ước. Có quan điểm cho rằng nếu như quý vị duy trì được mối quan hệ tốt đẹp, thì tất nhiên quý vị sẽ đạt được những kết quả đó.”

Hiệp định hợp tác này cũng qui định Nam Triều Tiên thực hiện nhiều dự án kinh tế, chủ yếu là có liên quan tới việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hại ở Miền Bắc nghèo khó. Thỏa thuận này cũng qui định việc thành lập những khu công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp chung giữa hai miền Triều Tiên và tất cả kinh phí đều do Nam Triều Tiên cung cấp.

Ông Kim Taewoo, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Phân tích quốc phòng Triều Tiên tại thủ đô Hán Thành, nói rằng thỏa thuận này thiếu tính chất cân đối.

Ông Kim ca ngợi thỏa thuận này như một cơ hội rất hiếm hoi cho việc hòa giải giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng trong khi Nam Triều Tiên đã lên một danh sách dài những điều hứa hẹn rất cụ thể, thì lại không thấy rõ những hành động cụ thể mà Bắc Triều Tiên cam kết thực hiện là gì.

Ngoài ra, còn có thêm một thách thức trong việc thực hiện thỏa thuận vừa mới ký hôm thứ Năm là nhiệm kỳ Tổng thống của ông Roh Moo-hyun sẽ kết thúc trong vòng hai tháng tới, và theo qui định của hiến pháp, ông Roh không được tái tranh cử.

Các cuộc thăm dò cho thấy có phần chắc là ông Roh sẽ được thay thế bởi một thành viên của đảng đối lập có chủ trương bảo thủ. Hầu hết những người trong này đảng này tin rằng các hiệp định Liên Triều cần phải đòi hỏi Bắc Triều Tiên làm nhiều hơn nữa.

Nhiều chính trị gia thuộc phe đối lập cho rằng: chính sách chủ động giao tiếp với Bắc Triều Tiên của ông Roh đã khiến cho Nam Triều Tiên tiêu hao rất nhiều tiền của, nhưng vẫn không ngăn được Bình Nhưỡng sản xuất vũ khí hạt nhân.