Có thêm nhiều nhà lập pháp Mỹ bày tỏ ủng hộ cho những người biểu tình đòi dân chủ ở Miến Điện. Từ trụ sở quốc hội, thông tín viên Dan Robinson của đài VOA tường thuật rằng sự ủng hộ mạnh mẽ này xuất phát các nhà làm luật của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở lưỡng viện quốc hội.
Tại cuộc điều trần hôm thứ tư của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, các nghị sĩ đã bày tỏ hậu thuẫn cho phong trào dân chủ Miến Điện và lãnh tụ của phong trào này là bà Aung San Suu Kyi. Thượng nghị sĩ Barbara Boxer thuộc đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang California, phát biểu như sau:
"Đây chính là lúc để cho nhân dân Miến Điện giành được thắng lợi. Sự đàn áp thô bạo của quân đội đã thu hút sự chú tâm của cộng đồng quốc tế và quả là một sự nhục nhã cho chúng ta nếu chúng ta không lưu tâm tới vấn đề này."
Cả Thượng viện lẫn Hạ viện đều hối thúc các chính phủ trên thế giới tiếp tục gây áp lực lên chính quyền quân nhân Miến Điện -- nơi mà những vụ bắt bớ vẫn tiếp diễn sau vụ đàn áp đẫm máu hồi tuần trước.
Thượng nghị sĩ John Kerry nói rằng cộng đồng quốc tế cần phải làm nhiều hơn nữa mới có thể mang lại những thay đổi thật sự ở Miến Điện:
"Tình hình này đòi hỏi phải có một sách lược, phải có một chính sách, phải có sự lãnh đạo, phải có sự chú tâm hoàn toàn và phải gây áp lực không ngừng."
Ông Kerry nói thêm rằng Hoa Kỳ, Liên hiệp quốc, và Trung quốc -- một đồng minh then chốt của Miến Điện về cả quân sự lẫn kinh tế, cần phải có thái độ nghiêm túc và nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề Miến Điện.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ phe Cộng hòa tại Thượng viện, nhận xét rằng dường như không có nước láng giềng nào của Miến Điện muốn áp dụng các biện pháp cần thiết để tạo áp lực lên tập đoàn tướng lãnh cầm quyền:
"Kế hoạch chế tài chỉ có hiệu quả khi nào có sự can dự mạnh mẽ của Trung quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Vì vậy tôi nghĩ rằng con đường tuy có khó khăn nhưng cũng thật rõ ràng. Đó là chúng ta phải tiếp tục gây áp lực lên các nước bạn của chúng ta ở Châu Á để họ nghiêm chỉnh đối phó với vấn đề này."
Phó Trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái bình dương, ông Scot Marciel, cho biết rằng vụ đàn áp của quân đội Miến Điện đã làm tăng quyết tâm của chính phủ Mỹ trong việc giúp cho Miến Điện có được dân chủ thật sự.
Tuy không cho biết chi tiết, nhưng ông Marciel nói rằng: chính phủ đang xem xét tới các biện pháp chế tài khác nữa, sau khi đã siết chặt những biện pháp chế tài tài chánh và không cấp thị thực nhập cảnh cho các viên chức cao cấp của nhà cầm quyền Miến Điện.
Ông nói thêm rằng Washington tiếp tục hối thúc Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để giải quyết vụ khủng hoảng Miến Điện:
"Có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã âm thầm gây áp lực lên tập đoàn quân nhân và đòi họ phải tự chế. Trung quốc cũng góp phần tạo dễ dàng cho chuyến viếng thăm và những cuộc gặp gỡ tại Miến Điện của đặc sứ Gambari của Liên hiệp quốc. Mặc dù vậy, chúng tôi nghĩ rằng Trung quốc có thể làm nhiều hơn nữa. Chúng tôi đã thúc giục và sẽ tiếp tục thúc giục Trung quốc làm nhiều hơn nữa."
Ông Marciel cho hay: Washington hy vọng rằng áp lực từ Liên hiệp Âu châu, Asean, Ấn Độ và nhiều nước khác sẽ giúp cho vấn đề Miến Điện tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Khi thông qua nghị quyết ủng hộ phong trào dân chủ Miến Điện hôm thứ ba vừa qua, các dân biểu Hoa Kỳ cũng đòi hỏi rằng Trung quốc phải chính thức lên án vụ đàn áp ở Miến Điện và áp dụng các biện pháp khác nữa. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi giải thích như sau về lý do của đòi hỏi vừa kể:
"Có thể nói một cách đơn giản là chế độ Miến Điện sẽ không có được vị thế và sức mạnh mà họ đang có nếu không có sự hỗ trợ của Trung quốc. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để đòi Miến Điện tiến hành một cuộc thương thảo chính trị với các nhân vật tranh đấu cho dân chủ."
Hôm qua, các nhà dân chủ Miến Điện lưu vong nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng số tử vong trong vụ đàn áp này cao hơn nhiều so với con số mà tập đoàn tướng lãnh Miến Điện đã thừa nhận. Ông Aung Din, đại diện của Chiến dịch Hoa Kỳ cho Miến Điện, phát biểu như sau:
"Hơn 200 người biểu tình ôn hòa -- gồm có các nhà sư, những em học sinh có em chỉ mới 12 tuổi, và những người dân thường, đã bị giết hại một cách dã man. Chỉ trong vòng vài ngày, đã có hơn hai ngàn người bị binh lính và cảnh sát bắt giam. Người dân Miến Điện đang ở trong tình trạng kinh hoàng và hoảng sợ vì hành động bạo ngược này."
Phó trợ lý ngoại trưởng Scot Marciel cũng nói rằng: tuy số thương vong trong các cuộc đàn áp chưa biết được một cách đích xác, nhưng số người thiệt mạng có phần chắc là cao hơn nhiều lần con số mà chính quyền quân nhân Miến Điện đưa ra.