Các tổ chức tranh đấu cho dân chủ nhân quyền Miến Điện đã nêu nghi vấn về thiện chí của giới lãnh đạo Miến Điện khi họ đề nghị gặp gỡ với bà Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, trong số những người vẫn thường chỉ trích tập đoàn quân nhân Miến Điện, có ít nhất một người cho rằng đề nghị đó là một diễn tiến tích cực. Thông tín viên Chad Bouchard của Ðài VOA từ Bangkok ghi nhận một số chi tiết sau đây.
Tướng Than Shwe - người đứng đầu tập đoàn quân nhân cầm quyền ở Miến Điện, cho biết ông sẵn sàng nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi -- người đã trở thành biểu tượng của cuộc tranh đấu cho dân chủ Miến Điện. Người phụ nữ đoạt giải Nobel Hòa bình này đã bị giam lỏng trong phần lớn thời gian 18 năm qua.
Đề nghị của tướng Than Shwe có kèm theo hai điều kiện là bà Suu Kyi phải ngưng cổ xúy cho việc chống đối chính phủ và ngưng kêu gọi cộng đồng quốc tế chế tài Miến Điện.
Các biện pháp chế tài đã được Hoa kỳ và Liên hiệp Châu Âu áp dụng từ nhiều năm nay, và mới đây Washington cũng đã loan báo thêm các biện pháp trừng phạt. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ họp trong ngày hôm nay để thảo luận về tình hình Miến Điện và có thể họ cũng sẽ áp đặt các biện pháp chế tài.
Ông Maung Maung là một thành viên của Hội đồng Quốc gia Liên hiệp Miến Điện -- một đảng phái thuộc phe kháng chiến. Ông bác bỏ đề nghị của tướng Than Shwe và nói rằng đây chỉ là một mưu toan vận động dư luận trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an:
"Chúng tôi xem đề nghị này là hoạt động công quan, vì quyết định của Hội đồng Bảo an sắp được mang ra thảo luận. Vì vậy đây chỉ là hoạt động quan hệ công cộng. Chúng tôi cho rằng thông cáo của chính phủ Miến Điện là không công bằng. Bởi vì bà Aung San Suu Kyi không phải là người mang lại các biện pháp chế tài mà chính chế độ này tự chuốc lấy các biện pháp chế tài. Nếu họ thật sự muốn nói chuyện với bà Suu Kyi, thì bà ấy đang có mặt ở Miến Điện. Cho nên họ cần phải trả tự do cho bà trước, để cho bà được tự do đi lại, tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến, rồi họ có thể nói chuyện với bà ấy."
Tuy nhiên, theo ông Asda Jayanama - cựu Đại sứ Thái Lan ở Liên hiệp quốc và là người thường xuyên đả kích chế độ độc tài Miến Điện, đề nghị của tướng Than Shwe là một diễn tiến tích cực:
"Một số người có thể cho rằng ông Than Shwe đang muốn câu giờ. Vâng, có thể là như vậy. Nhưng theo tôi thì điều này cũng phản ảnh một tiến bộ nho nhỏ. Bởi vì trong quá khứ họ không hề muốn nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi. Theo tôi thì "có còn hơn không." Điều này cho thấy có mưu toan câu giờ, nhưng thật ra thì các đảng phái chính trị Miến Điện có thể lợi dụng tình hình này để làm những việc có ích cho mình."
Chính phủ Miến Điện cũng đã ngỏ lời mời nhà ngoại giao cao cấp nhất của Hoa kỳ ở Miến Điện để bàn về vụ khủng hoảng chính trị hiện nay. Đại sứ quán Mỹ ở Rangoon xác nhận rằng Tham vụ Shari Villarosa hôm nay đang có mặt ở thủ đô hành chánh Nay Pyi Taw, nhưng họ không bình luận gì về mục đích của chuyến đi của bà.
Mặc dù vậy, ngày hôm qua một phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa kỳ có nói rằng bà Villarosa sẽ nhắc lại lập trường cố hữu của Washington là các tướng lãnh Miến Điện phải bắt đầu thực hiện một cuộc đối thoại có ý nghĩa với phe đối lập, chấm dứt các hội viên bạo lực nhắm vào những người biểu tình ôn hòa, và tiến hành cải cách kinh tế và chính trị.
Cũng giống như các nhà ngoại giao khác ở Rangoon, bà Villarosa đã công khai chỉ trích vụ đàn áp mới đây của chính quyền quân nhân Miến Điện, khiến nhiều người bị thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị bắt giữ.