Một thỏa thuận của chính phủ Bush với phe Cộng hòa đại diện cho hai tiểu bang sản xuất hàng dệt may để đạt được sự ủng hộ cho một hiệp định thương mại với Việt Nam đã gây phẫn nộ trong giới bán lẻ ở Hoa Kỳ và khiến họ tính tới việc cứu xét xem liệu có nên tiếp tục mua quần áo sản xuất từ Việt Nam hay không.
Các giới chức trong công nghiệp này cho biết như thế hôm thứ tư. Phó chủ tịch và cố vấn thương mại quốc tế của Hiệp Hội bán lẻ toàn quốc Hoa Kỳ, ông Erik Autor bầy tỏ sự căm tức cực độ và nói rằng ông có cảm tưởng bị bán đứng.
Tuần trước, chính phủ Bush đã hứa với các thượng nghị sĩ Elizabeth Dole, đại diện tiểu bang North Carolina, và thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đại diện tiểu bang South Carolina rằng chính phủ sẽ theo dõi sát những hàng dệt may nhập từ Việt Nam sau khi nước này gia nhập WTO, và Hoa Kỳ buộc phải bãi bỏ các quota nhập khẩu.
Đại diện thương mại Hoa Kỳ, bà Susan Schwab và bộ trưởng thương mại, ông Carlos Gutierrez cho biết chính phủ cũng sẽ mở một cuộc điều tra có thể đưa đến việc áp dụng các sắc thuế chống phá giá đối với hàng của Việt Nam nếu có bằng chứng cho thấy là giá cả không hợp lý gây thiệt hại cho các nhà sản xuất hàng dệt may của Mỹ.
Ông Brad Figel, giám đốc đặc trách về chính quyền và giao tế toàn cầu của hãng Nike nói rằng các nhà nhập khẩu hôm thứ sáu hết sức kinh ngạc về thỏa thuận này. Ông cho rằng chính phủ đã không nhận thức được tác động đáng sợ của thỏa thuận này trong tương lai.
Theo một luật sư của Hiệp hội Nhập khẩu quần áo và hàng dệt may của Hoa Kỳ, thì các công ty đang cảm thấy ngại ngùng về việc đặt hàng ở một nước có thể là mục tiêu chống đối của công nghệ dệt may Mỹ.
Phát ngôn viên của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ông Steve Norton thừa nhận những mối quan ngại do thỏa hiệp gây ra và cho biết chính phủ Bush sẽ làm việc với tất cả các bên liên hệ để thiết kế một hệ thống theo dõi có hiệu quả, công bằng và minh bạch.
Thỏa hiệp với hai nghị sĩ Dole và Graham đã gỡ bỏ được một trở ngại chính để Quốc hội thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam.
Hai nghị sĩ này đã chống lại cuộc biểu quyết vì lo ngại rằng việc cho phép Việt Nam gia nhập WTO sẽ khiến công nghiệp dệt may của Hoa Kỳ phải đối phó với lượng quần áo rẻ dưới giá nhập ồ ạt từ Việt Nam. Sự chống đối mạnh mẽ của họ đã đe dọa đến hy vọng của Tòa Bạch Ốc là đạt được sự chấp thuận cho quy chế này trước khi tổng thống Bush đến Hà Nội dự hội nghị thường niên của APEC vào ngày 18 và 19 tháng 11.
Tuy nhiên, điều đó còn chưa chắc bởi vì Quốc hội đã nghỉ họp và mãi đến ngày 13 tháng 11 mới trở lại làm việc.