Đoàn đại biểu Việt Nam tại Geneva đang thảo luận với một nhóm các quốc gia khác nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Việt Nam. Một thỏa thuận có thể đạt được trong một hoặc hai ngày tới cho phép Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới một cách sâu rộng hơn.
Thỏa thuận cuối cùng cho phép Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới có thể đạt được vào ngày thứ sáu.
Ông Eirik Glenne là đại sứ của Na Uy tại Tổ chức Thương mại Thế giới và là chủ tịch các cuộc đàm phán đa phương về việc gia nhập của Việt Nam bắt đầu từ ngày thứ Hai tại Genève.
Hy vọng là như vậy, tất nhiên còn phụ thuộc vào việc có bao nhiêu buổi tư vấn sẽ diễn ra, tuy nhiên hy vọng là chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này. Sau đó chúng tôi sẽ phải chính thức hóa bản thỏa thuận đó.
Các vòng đàm phán đa phương là rào cản quan trọng cuối cùng trong nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Việt Nam. Việt Nam đã hoàn tất các thỏa thuận song phương với các nước thành viên có yêu cầu, trong đó bao gồm những đối tác thương mại chính như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc.
Tuy nhiên một số quốc gia, trong số đó có một số quốc gia đã kết thúc đàm phán song phương với Việt Nam, đã đưa ra những yêu cầu mới trong vòng đàm phán đa phương. Ông Glenne cho biết những quốc gia đó đang đàm phán không chính thức với Việt Nam để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Chúng tôi có một nhóm các quốc gia, nhưng không phải là ban công tác , bởi không phải tất cả các thành viên của ban công tác về Việt Nam đều có cùng mối quan tâm như nhau về những vấn đề còn tồn tại, tuy nhiên có một số khoảng dưới 10 quốc gia hiện đang tham gia vào những cuộc đàm phán không chính thức.
Ông Glenne từ chối không đưa ra chi tiết về những quốc gia đang tham gia đàm phán hay những vấn đề còn tồn tại là gì. Tuy nhiên, hôm thứ Tư, Thông tấn xã Việt Nam thông báo rằng những vấn đề còn gây tranh cãi gồm có thuế tiêu thụ đặc biệt, loại thuế này áp dụng đối với hàng hóa cao cấp như xe hơi, thuốc lá; việc Việt Nam ưu đãi cho các công ty trong các đặc khu kinh tế; và việc cho phép các công ty quốc doanh kinh doanh độc quyền một số loại hàng hóa nhất định. Các quốc gia khác cũng đang thúc đẩy Việt Nam áp dụng các biện pháp vệ sinh để đảm bảo an toàn vệ sinh đối với thực phẩm xuất khẩu.
Các nguồn tin truyền thông khác của Việt Nam cũng đề cập đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ là mối quan tâm chính của các cuộc đàm phán đa phương. Nhiều quốc gia phát triển, những quốc gia sản xuất phần mềm, phim ảnh và sách báo quan ngại đến việc sao chép bất hợp pháp các ấn phẩm có bản quyền của họ.
Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới là mục tiêu đối ngoại chính yếu của Việt Nam trong nhiều năm nay. Làm thành viên của tổ chức này là một điều cần thiết cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam để cạnh tranh với những đối thủ đã là thành viên của tổ chức này, như Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã hy vọng Việt Nam sẽ gia nhập tổ chức này trước khi chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên khi ban công tác đạt được thỏa thuận cuối cùng, qui chế thành viên của Việt nam vẫn phải được chấp thuận bởi đại hội đồng của Tổ chức Thương mại Thế giới gồm 149 quốc gia. Khả năng điều này có thể đạt được trước Hội nghị APEC dường như ngày càng xa vời.