Các nỗ lực ngoại giao để đối phó với vụ thử phi đạn của Bình Nhưỡng vẫn tiếp diễn

Các cuộc tham vấn ngoại giao tiếp tục ở một số thành phố ở Châu Á để quyết định sẽ ứng phó như thế nào trước việc Bắc Triều Tiên thử phi đạn hôm mùng 5 tháng 7.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã trì hoãn việc biểu quyết đối với đề nghị trừng phạt của Nhật Bản để có thêm thời gian cho ngoại giao. Phóng viên VOA Steve Herman có bài tường thuật từ Tokyo về các quan điểm khác nhau đối với vấn đề này, đặc biệt là Nam Triều Tiên không hài lòng với quan điểm của Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản nói ngoại giao là tốt, nhưng những biện pháp trừng phạt cũng cần thiết nhằm gởi tới Bắc Triều Tiên một thông điệp rõ để họ hiểu rằng việc phóng thử phi đạn vào ngày 5 tháng 7 là một hành động không thể chấp nhận được.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Tomohiko Taniguchi nói: “Chúng tôi vừa mới quyết định cho Trung Quốc 24 giờ hoặc tối đa là 48 giờ để trở lại với những ý tưởng cụ thể hơn về những vấn đề mà Bắc Triều Tiên đã thảo luận với Trung Quốc.”

Nhật Bản nói rằng họ có 7 thành viên ủng hộ biện pháp của họ, trong đó có cả Mỹ, Anh, và Pháp. Nhưng Trung Quốc, nước có quyền phủ quyết trong Hội Đồng Bảo an, và Nam Triều Tiên phản đối việc trừng phạt. Hội Đồng Bảo an đã trì hoãn biểu quyết hôm thứ hai để một phái đoàn Trung quốc hội đàm với Bắc Triều Tiên ở Bình Nhưỡng.

Đặc sứ Mỹ Christopher Hill tiếp tục chuyến công du khẩn trương ở Châu Á, bắt đầu từ tuần trước sau khi phi đạn đã phóng ra. Ông đã trở về Bắc Kinh sau chuyến đi Tokyo để xem những cố gắng của Trung Quốc có đạt được tiến bộ nào không.

Rõ ràng là chúng ta đang ở vào thời kỳ khá quan trọng. Tôi nghĩ rằng quyết định hoãn biểu quyết là một biện pháp quan trọng vì chính phủ Trung Quốc mang một trọng trách về ngoại giao.

Cho nên chúng tôi muốn tham khảo ý kiến chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc.

Bà Khương Du, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh rất lo ngại trước việc phóng thử phi đạn của Bắc Triều tiên, nhưng việc trừng phạt có thể sẽ là một biện pháp quá mức”

Bà Khương Du phát biểu trước báo chí rằng một nghị quyết áp dụng trừng phạt sẽ làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực, làm tăng sự căng thẳng và sẽ khó hơn trong việc lôi kéo Bắc Triều Tiên trở lại bàn đám phán sáu bên về việc chấm dứt chương trình hạt nhân.

Các quan chức Nam Triều Tiên chỉ trích Nhật Bản sau khi một vài chính trị gia ở Tokyo nêu ý kiến phát triển khả năng có thể tấn công những căn cứ phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Tại Hán Thành, ông Jung Tae-ho người phát ngôn của Tổng thống đã lên án Nhật bản cố gắng quay lại thời kỳ của những năm đầu của thế kỷ 20, khi ấy Nhật bản còn là một nước có thuộc địa ở bán đảo Triều Tiên.

Ông Jung nói rằng Nam Triều Tiên sẽ phản đối, ông gọi sự kiêu ngạo và thái độ bất chấp hậu quả của Nhật Bản sẽ làm tăng cường khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và là cái cớ để Nhật tái vũ trang quân sự.

Những cuộc gặp gỡ ngoại giao ở Châu Á đã bắt đầu sau khi nước cộng sản Bắc Triều Tiên phóng thử 7 phi đạn, trong đó có một phi đạn tầm xa Taepodong-2. Tất cả đều rơi xuống biển Nhật Bản.