Các nhà ngoại giao Nhật Bản và Hoa Kỳ cho biết họ vẫn muốn có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên vì vụ phóng thử nghiệm các phi đạn hôm 5 tháng này, cho dù cả hai nước đang hợp tác trong các nỗ lực đưa Bình Nhưỡng trở lại các cuộc đàm phán quốc tế về các chương trình hạt nhân của họ. Từ Tokyo, phái viên Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây:
Hôm nay, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đưa ra một lập trường chung trong đề nghị trừng phạt Bắc Triều Tiên về những vụ thử nghiệm phi đạn trong tuần trước. Trong khi một phái đoàn cấp cao các nhà ngoại giao Trung quốc đến Bình Nhưỡng để hội đàm với các giới chức Bắc Triều Tiên, thì tại Tokyo, trợ lý bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, ông Christopher Hill đã hội kiến ngoại trưởng Taro Aso và các nhà ngoại giao khác của Nhật Bản. Sau đó, ông Hill nói với các phóng viên rằng các chính phủ Nhật và Hoa Kỳ đều quyết chí tán thành các biện pháp chế tài kinh tế của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
“Chúng tôi tin rằng cả hai chính phủ thấu hiểu tầm quan trọng của việc nói lên cùng một tiếng nói về vấn đề này. Chúng tôi muốn dồn hết tập trung vào việc đồng thuận với nhau, và tôi đánh giá sự hợp tác của Hoa Kỳ và Nhật Bản về mặt này là thực sự tuyệt hảo.”
Tuy nhiên, Trung Quốc đã coi những biện pháp chế tài là phản tác dụng, và đang đe dọa sử dụng quyền phủ quyết của họ trong Hội đồng Bảo An. Đây là một hành động có thể gây rạn nứt trong sự đoàn kết lớn hơn mà Hoa Kỳ và Nhật Bản đang mưu tìm.Phái đoàn Trung Quốc đang có mặt tại Bình Nhưỡng để tìm cách thuyết phục phía Bắc Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán 6 bên đã bị đình trệ bàn về các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, khi đến Bắc Kinh tuần trước để hội ý với các giới chức Trung quốc, ông Hill đã gợi ý rằng phía Trung Quốc có lý do để tỏ ra bất bình với các đồng minh lâu đời của họ. Ông Hill nói ông được biết là Trung quốc đã thẳng thắn cảnh báo Bắc Triều Tiên chớ nên phóng các phi đạn. Ông Hill nói tiếp:
Trung Quốc đã nói với Bắc Triều Tiên một cách rất thẳng thắn và rất rõ ràng là “Chớ nên làm việc ấy,” và Bắc Triều Tiên cứ xúc tiến. Đấy là một sự thực, mà tôi biết chắc rằng Trung quốc đang suy xét rất kỹ.”
Ông Hill đến Tokyo sau khi đi thăm Bắc Kinh và Hán Thành. Ông là đặc sứ chính của Hoa Kỳ tại các cuộc đàm phán 6 bên, gồm hai nước Triều Tiên, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Một thỏa thuận trên nguyên tắc đã đạt được trong vòng đàm phán cuối cùng hồi tháng 9, theo đó Bắc Triều Tiên sẽ bãi bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy các bảo đảm về viện trợ và an ninh.
Nhưng sau đó thì các cuộc đàm phán đã bị đình trệ.Bình Nhưỡng từ chối không chịu quay lại bàn đàm phán cho đến khi nào chính phủ Hoa Kỳ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt tài chính đã áp đặt đối với một ngân hàng ở Macau bị cáo buộc là giúp Bắc Triều Tiên rửa tiền có được do các hoạt động bất hợp pháp và làm bạc giả.
Đổng lý văn phòng thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe, cho rằng không nên để đường lối ngoại giao trì hoãn một cuộc biểu quyết về nghị quyết chế tài, có thể diễn ra ngay trong ngày hôm nay.
Ông Abe nói rằng cần phải có một nghị quyết của Liên hiệp quốc, do Nhật Bản đề xuất và được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, để chuyển đi một thông điệp mạnh mẽ cho Bình Nhưỡng.