Thỏa Hiệp WTO Việt-Mỹ: Quan điểm từ Hoa Kỳ

Thỏa hiệp WTO giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đạt được hồi cuối tuần qua, lót đường cho Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đã được các giới chức hai nước đánh giá là một sự kiện có tính cách bước ngoặt, chặng cuối trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Hoài Hương của Ban Việt ngữ-VOA đã tiếp xúc với một số nhân vật có trực tiếp liên quan tới hay quan tâm đến các cuộc đàm phán vừa kết thúc, để tìm hiểu thêm về cái gọi là bước ngoặt lịch sử trong quan hệ Mỹ-Việt.

Trong số những người được phỏng vấn, có Thượng Nghị Sĩ Max Baucus thuộc Đảng Dân Chủ, Bà Virginia Foote, Chủ Tịch Hội Đồng Thương Mại Hoa Kỳ, và Giáo Sư Nguyễn Quốc Khải, cựu chuyên viên Ngân Hàng Thế Giới từng giảng dạy tại Trường Cao Học Nghiên Cứu về Quốc Tế tại Đại Học John Hopkins. Mời quý vị theo dõi:

Từ hai nước cựu thù đối đầu nhau trong chiến tranh, Việt Nam và Hoa Kỳ đang trở thành hai nước bạn và đối tác thương mại, và thỏa hiệp vừa đạt được là một bước nữa trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt. Đó là ý kiến của thượng nghị sĩ Max Baucus, thuộc Đảng Dân Chủ, nhân vật được coi là có thế lực nhất trong Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện Hoa Kỳ. Ông nói:

Thỏa hiệp vừa đạt được rất là quan trọng, vì rõ rệt đây là bước cuối cùng cần thiết để hai nước đều ở thế ngang hàng với nhau. Chúng ta là hai nước riêng biệt, hai nước bạn và sẽ giao hảo với nhau trên căn bản tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đã tiến tới giai đoạn cuối cùng của tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương.

Thượng nghị sĩ Baucus nói giúp Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Hoa Kỳ sẽ có thêm thị trường về: nông nghiệp, công nghệ, truyền thông... Thượng nghị sĩ Baucus nói ông không biết về chi tiết liên quan tới các sản phẩm văn hóa như ấn phẩm, sách báo, phim ảnh, nhưng theo ông thì thỏa hiệp chung cuộc sẽ giúp cho hầu hết mọi kỹ nghệ Mỹ có thêm thị trường ở Việt Nam.

Trong câu chuyện với đài VOA, Bà Virginia Foote, Chủ Tịch Hội Đồng Thương Mại Hoa Kỳ, tỏ thái độ của một người vừa trút được một gánh lo:

Còn một số vấn đề khó khăn còn cần phải giải quyết. Nhưng hai bên đã đạt được đủ những gì mà mỗi bên cần để có thể đi đến thỏa thuận.

Vẫn theo bà Foote, để đạt được mục tiêu gia nhập WTO, Việt Nam đã đưa ra một số nhượng bộ quan trọng trong tiến trình thương thuyết:

Việt Nam đã hạ đáng kể mức thuế trung bình đánh trên hàng nhập khẩu, tôi nghĩ điều này có lợi cho các sản phẩm của Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng có lợi cho nền kinh tế Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Baucus hết lời ca ngợi Việt Nam về những nhượng bộ này:

Tôi ngợi khen Việt Nam về quyết định bỏ bao cấp đối với ngành dệt may trong nước. Theo luật WTO, những trợ cấp như thế được coi là không hợp pháp, tôi xin hoan nghênh Việt Nam đã loại bỏ chế độ bao cấp.

Nhưng ngay sau khi tin loan ra, Hội Đồng Quốc Gia các Tổ Chức Dệt May Hoa Kỳ đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối thỏa thuận WTO với Việt Nam, họ bày tỏ quan tâm về nguy cơ mất việc trong ngành dệt may Hoa Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA, Chủ Tịch Hội Đồng Dệt May bày tỏ lo ngại hàng may mặc Việt Nam sẽ ào ạt đổ vào thị trường Mỹ. Ông tuyên bố sẽ vận động để sửa đổi hoặc bác bỏ thỏa thuận đạt được hồi cuối tuần trước tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Bà Virginia Foote cho biết ý kiến của bà về sự chống đối này:

Những món hàng mà Việt Nam sản xuất để đưa vào các thị trường Mỹ, đa số không được sản xuất tại Hoa Kỳ, thế cho nên tôi không mấy chắc là những sản phẩm ấy cạnh tranh với các sản phẩm Mỹ.

Trả lời câu hỏi về các biện pháp đối phó trong trường hợp Việt Nam không thực thi những cam kết đã đưa ra, Thượng nghị sĩ Baucus nói:

Nếu có bất cứ ai, chẳng hạn như Hội Đồng dệt may Hoa Kỳ, thực sự có những quan tâm chính đáng và cho rằng Việt Nam không thực thi những cam kết của họ, thì kỹ nghệ dệt may có thể tiến hành những thủ tục để bảo vệ quyền lợi của mình qua cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

Chủ Tịch Hội Đồng Thương Mại Hoa Kỳ, bà Foote cũng đề cập đến vấn đề này:

Trong thỏa thuận, có một điều khoản rất nghiêm ngặt, quy định rằng nếu bất cứ hình thức bao cấp nào bị cấm dưới luật WTO, vẫn được tiến hành, thì tất cả các hạn ngạch trước đây sẽ lại được mang ra áp dụng. Thế cho nên có một cơ chế rất nghiêm khắc, nếu như Việt Nam không tuân thủ những cam kết của mình.

Mặt khác, một số dân biểu Mỹ đã liên kết vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền với việc chuẩn y bất cứ thỏa hiệp thương mại nào. Trả lời câu hỏi về liệu theo ông, có nên có mối liên kết ấy không, thượng nghị sĩ Max Baucus nói:

Trực tiếp thì không. Tôi không tin nên có sự liên kết đó. Vấn đề ấy là một vấn đề kéo dài nhiều năm qua, khi nói đến Trung Quốc. Liên kết nhân quyền với thương mại gây nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề. Theo tôi, nhân quyền phải được đeo đuổi một cách mạnh mẽ, nhưng một cách riêng rẽ, nghĩa là không như một điều kiện để trao quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Hoa Kỳ nên tiếp tục mạnh mẽ cổ võ nhân quyền, theo tôi những nghị quyết đưa ra qua Quốc Hội là điều tốt. Nhưng tôi không tin nên đeo đuổi vấn đề nhân quyền trong bối cảnh quy chế PNTR. Việt Nam nên được trao quy chế PNTR như bước kế tiếp trong thỏa thuận vừa đạt được. Những quan tâm như vừa nhắc đến, chúng ta có thể xử lý dưới những hình thức khác một cách hiệu quả hơn. Tôi tin sẽ là một lỗi lầm nếu chúng ta xem vấn đề nhân quyền như một điều kiện để trao quy chế PNTR cho Việt Nam.

Bà Virginia Foote cho rằng nhân quyền chỉ là một trong những đề tài mà hai nước sẽ thảo luận trong thời gian dẫn đến quyết định trao quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng toàn bộ quan hệ song phương sẽ được mang ra thảo luận: các vấn đề kinh tế, nhân quyền, các vấn đề chính trị, quân sự, vấn đề quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam... tất cả những vấn đề ấy, như đã xảy ra trong quá khứ, như một bước nữa trong tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước.

Giáo Sư Nguyễn Quốc Khải, cựu chuyên viên Ngân Hàng Thế Giới, giải thích về quy chế PNTR đã nêu lên một trong những vấn đề khác mà theo ông, cũng sẽ được nêu lên trong tiến trình cứu xét quy chế PNTR

Theo lời bà Virginia Foote, mặc dù còn một số vấn đề quan trọng mà hai bên còn phải giải quyết, có nhiều triển vọng Việt Nam sẽ được trao quy chế này vào mùa hè năm nay:

Tôi tin điều đó có thể xảy ra. Hiện vẫn còn nhiều việc cần phải làm, và hãy còn nhiều vấn đề quan trọng phải giải quyết, nhưng tôi tin rằng điều ấy là khả thi, và tôi biết đó là mục tiêu của tất cả mọi người.

Chúng tôi hy vọng sẽ biểu quyết vấn đề này vào mùa hè năm nay.

Thượng Nghị Sĩ Max Baucus cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng này.

Thưa quý thính giả, như thế các giới chức Mỹ cũng như nguồn tin thông thạo đều nhận định Việt Nam có triển vọng đạt được mục tiêu mong muốn, là gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trong năm nay. Nhưng trở thành hội viên WTO chỉ là khởi đầu của một thời kỳ đầy thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn. Trong những ngày tới đây, chúng tôi sẽ đào sâu hơn về những thách thức và những cơ hội mới này.