Bài học từ cuộc chiến Việt Nam ?

Các nhà sử học và các nhân vật từng đề ra chính sách trong thời chiến tranh Việt Nam đã gặp nhau trong cuộc hội thảo hồi cuối tuần ở thành phố Boston, bang Massachusetts. Mục đích nhằm phân tích các nguyên nhân và lý do đưa tới sự thất bại của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và liệu Hoa Kỳ có lĩnh hội được bài học nào để ứng dụng vào cuộc chiến tranh Iraq ngày nay hay không. Thông tín viên đài VOA Michael Mathes có mặt tại cuộc họp và gửi về bản tường trình sau đây:

Các tham dự viên chức trọng quyền cao, gồm cả cưụ cố vấn Tòa Bạch Ốc kiêm cựu Ngọai trưởng Alexander Haig, cựu Phụ tá Jack Valenti của Tổng Thống Johnson, Thượng nghị sĩ Chuck Hagel và những người khác, đã tề tựu trong cuộc hội thảo tại Thư viện Tổng Thống John F. Kennedy ở Boston. Cựu Tổng Thống Jimmy Carter thì gửi băng video đến tham dự. Nhưng tham dự viên được trông đợi và gây nhiều tranh cãi nhất phải kể đến cựu Ngọai trưởng Henry Kissinger. Cựu chính khách 82 tuổi này vẫn giữ vững lập trường của ông, cho rằng nếu quần chúng Mỹ đoàn kết chặt chẽ hơn nữa thì đã có thể giúp Hoa Kỳ chiến thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trên cương vị một quốc gia, chúng ta phải đối diện với sự thật là: chính chúng ta đã đánh bại mình, chứ không phải bị người Việt Nam đánh bại. Chúng ta tự đánh bại bởi vì chúng ta chia rẽ.

Cuộc chiến tranh Việt Nam gây tử vong cho khoảng 3 triệu người Việt Nam và 58.000 người Mỹ, và một số các chuyên gia coi đó là một sự sai lầm trọng đại nhất trong các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ trước tới nay. Trong các cuộc thảo luận về nhiều đề tài khác nhau, ông Kissinger đã bênh vực cho việc Tổng Thống Nixon ra lệnh oanh tạc Kampuchia lúc bấy giờ. Ông Kissinger cũng công nhận rằng lẽ ra Hoa Kỳ đã tiếp tục cuộc chiến sau khi đã ký Hiệp định Hòa bình Paris, nếu cuộc khủng hoảng Watergate không xảy ra một các nhanh chóng như vậy. Ông Kissinger nói tiếp:

Tôi biết rất rõ rằng nếu không có vụ Watergate thì chúng ta đã nối tiếp lại các vụ oạnh tạc đường mòn Hồ Chí Minh vào tháng ba và tháng tư năm 1973 vì phía Việt Nam vi phạm toàn thể hiệp định hòa bình. Lúc ấy họ gửi 30.000 quân và hằng trăm xe tăng vào Nam, còn chúng ta thì đang chờ đợi những người tù binh Mỹ cuối cùng trở về. Nếu không có vụ Watergate thì trong tháng tư năm đó, Hoa Kỳ đã phá hủy đường dây tiếp tế của họ rồi.

Ông Kissinger cho biết ông không hối tiếc về vai trò ông từng nắm giữ trong chính phủ lúc bấy giờ.

Ngày nay, 30 năm sau ngày Sài gòn thất thủ, một số các câu hỏi cơ bản nhất về cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn được tranh luận một cách sôi nổi. Ông Jack Valenti chỉ trích những người làm chính sách trong các thập niên 1950 và 1960. Ông cho rằng lý thuyết đôminô của họ là điều mà ông gọi là một câu chuyện thần thoại đầy ảo tưởng.

Tưởng cần biết là lý thuyết đôminô cho rằng nếu Việt Nam rơi vào tay cộng sản thì toàn thể Châu Á cũng lần lượt trở thành cộng sản. Ông Alexander Haig đã nhanh chóng lên tiếng trả lời nhận định của ông Valenti như sau:

Không một vị Tổng Thống nào mà tôi phục vụ hồi đó đã có thể tách rời cuộc chiến tranh lạnh, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên xô, ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Do đó, dù cho các sử gia có nói gì đi nữa về sự xung đột giữa chủ nghĩa quốc gia và ý thức hệ Mác-xít, thì điều đó của không thích đáng. Đó là sự thật nhưng nó không thích hợp, bởi lẽ cuộc chiến tranh Việt Nam đã bị khống chế bởi các siêu cường quốc và bởi cuộc đương đầu giữa Đông và Tây.

Ông Jack Valenti từng phục vụ chính quyền dưới thời Tổng Thống Lyndon Johnson và ông Johnson chính là người đã leo thang chiến tranh bằng cách gửi sang Việt Nam hơn một triệu quân sĩ Mỹ. Ông Valenti cảnh báo chống lại chính sách can thiệp quân sự dựa trên một khái niệm sai lầm. Ông Valenti nói tiếp:

Điều cơ bản mà tôi học được là: ta không thể nào tham chiến mà không có sự ủng hộ của quần chúng. Điều thứ nhì là: dù có một đạo quân hùng mạnh đến đâu chăng nữa đi chinh phục một nước ngoài. ta không thể nào thắng được một cuộc kháng chiến bắt nguồn từ dân chúng bản địa với những truyền thống, tôn giáo và văn hóa của họ. Chuyện này chưa hề xảy ra trong lịch sử.

Những nhận định kể trên đã khiến các tham dự viên thảo luận về việc liệu những bài học rút tỉa từ cuộc chiến tranh Việt Nam có được để ý đến ở Trung Đông hay không, là nơi Hoa Kỳ đang lãnh đạo cuộc chiến tranh Iraq. Cựu Tổng Thống Carter có ý kiến như sau:

Phần lớn các bài học đã được lĩnh hội này đều không được chú ý đến trong cuộc chiến tranh Iraq.

Trong cuốn băng video gửi đến cuộc họp ở Boston, ông Carter nói rằng sự dính líu của Hoa Kỳ vào vấn đề Iraq đã đi trệch hướng quá xa, so với những chính sách trước đó. Ông Carter giải thích:

Thật vậy, chúng ta đã sai lầm khi đơn phương nhúng tay vào một cuộc chiến tranh không cần thiết, một cuộc chiến tranh không hề đe dọa đến nền an ninh quốc gia chúng ta và phần lớn dựa vào những tiền đề sai lạc.

Thượng nghị sĩ Chuck Hagel, một cưụ chiến binh chiến tranh Việt Nam và là một đảng viên Cộng hòa, lâu nay thường được nhắc đến tên như là một nhân vật có khả năng ra tranh cử Tổng Thống năm 2008. Ông Hagel đồng ý với những nhận định của cưụ Tổng Thống Carter và nói rằng điều thiết yếu là một quốc gia không bao giờ nên dính líu vào chiến tranh, trừ phi có một mục tiêu quân sự rành mạch, rõ ràng và có thể thành đạt được.