Việt Nam lần đầu tiên vượt Nhật Bản về điểm đến của xuất khẩu Trung Quốc

Công nhân kiểm tra lỗi trên bảng mạch tại một nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Các nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam nhằm tránh tác động của thay đổi thuế quan và chuỗi cung ứng.

Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản trở thành điểm đến xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc, giữa bối cảnh thuế quan của Mỹ buộc các công ty phải tìm nhà cung cấp mới nhằm tránh thuế trong khi vẫn tiếp tục phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc về linh kiện, theo Bloomberg.

Theo dữ liệu do cơ quan hải quan Trung Quốc công bố hôm 13/1, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam năm 2024 tăng gần 18% lên mức kỷ lục 162 tỷ đô la. Con số này đã vượt qua 152 tỷ đô la trong các lô hàng sang Nhật Bản, trước đây là thị trường lớn thứ ba đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc, vẫn theo hãng tin Mỹ.

Đây được xem là một sự thay đổi đáng kể trong động lực thương mại toàn cầu, nhấn mạnh tác động của việc thay đổi thuế quan và chuỗi cung ứng.

Theo Reuters, số lượng xuất khẩu của Trung Quốc tăng tốc vào tháng 12 một phần là do các nhà máy của Trung Quốc đang vội vã xuất hàng tồn kho ra nước ngoài trong lúc chuẩn bị cho rủi ro thương mại gia tăng dưới thời tổng thống Trump.

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào tuần tới. Ông Trump từng đề xuất mức thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới giữa hai siêu cường.

Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy gia tăng xuất khẩu từ nước này sang Việt Nam chủ yếu tập trung ở lĩnh vực linh kiện, nơi chúng được lắp ráp và sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác. Bloomberg dẫn dữ liệu của Trung Quốc tính đến tháng 11/2024 cho biết các linh kiện điện tử bao gồm mô-đun màn hình và bộ nhớ máy tính chiếm 8 trong số 10 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất.

Theo nhận định của Bloomberg, việc định tuyến lại thương mại có nguy cơ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhưng lại có lợi cho Việt Nam, nơi đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư khi các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Các nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu như Samsung Electronics, Luxshare Precision Industry và Hon Hai Precision Industry đã đầu tư hàng tỷ đô la vào Việt Nam trong những năm gần đây để lắp ráp các sản phẩm như AirPods và MacBook.

Sự bùng nổ AI và các hạn chế xuất khẩu của Mỹ nhắm vào chip AI cũng đã thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam.

Hầu hết các sản phẩm sau khi được lắp ráp hoàn thiện đều được vận chuyển đến khách hàng Hoa Kỳ, đẩy thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ lên mức kỷ lục trong năm tính đến tháng 11. Thực tế này cũng có thể khiến Việt Nam nằm trong tầm ngắm của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người từng đề cập đến việc cần phải cân bằng thương mại với Việt Nam vào năm 2019 khi ông gọi Việt Nam là nước “lạm dụng” thương mại.

Your browser doesn’t support HTML5

Việt Nam lần đầu vượt Nhật Bản về điểm đến của xuất khẩu Trung Quốc