Việt Nam ra khuyến cáo về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí

Hình ảnh ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Bộ Y tế Việt Nam hôm 7/1 ra khuyến cáo về ảnh ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khoẻ sau khi Hà Nội trở thành “thành phố ô nhiễm nhất thế giới”.

Dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, Bộ này viết trên trang web của mình rằng việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí “làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ...”

Theo báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội “có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) đã lên đến mức xấu”.

Bộ này nói rằng mặc dù ô nhiễm không khí “xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng từ điều kiện khí hậu, thời tiết”, dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy “diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội”.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà phản biện xã hội và cũng là một người dân sinh sống ở Hà Nội, cho VOA tiếng Việt biết về cảm nhận của ông đối với tình hình ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội thời gian qua:

“Đúng là ở Hà Nội, ô nhiễm không khí là một vấn đề rất là nghiêm trọng, và nhất là hạt bụi mịn, những cái loại mà nó có thể ngấm vào máu. Thực sự nó vượt tiêu chuẩn rất nhiều lần và đây là một vấn đề rất đáng lo ngại đối với sức khỏe chung của nhân dân”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hãng tin Pháp AFP dẫn số liệu của IQAir, hãng đo lường chất lượng không khí của Thụy Sỹ, cho biết hàm lượng chất ô nhiễm PM2.5, tức là vi hạt gây ung thư có kích thước đủ nhỏ để đi vào máu qua đường thở ở Hà Nội hôm 3/1 là 227 microgram mỗi mét khối.

Mức này gấp 15 lần mức tối đa mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị mỗi người có thể tiếp xúc trung bình mỗi ngày. Do đó, theo AFP, IQAir vào sáng ngày 3/1 đã xếp Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới.

Bộ Y tế cho biết, để chủ động bảo vệ sức khỏe của người dân trước những ảnh hưởng có hại của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân, nhất là những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.

Theo Bộ này, các khuyến cáo này được đưa ra dựa trên chỉ số chất lượng không khí AQI. Khi chỉ số AQI chất lượng không khí ở mức kém “có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhất là nhóm người nhạy cảm, cần giảm hoặc hạn chế các hoạt động ngoài trời để tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí”.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho VOA tiếng Việt biết về hình thức ông thực hiện để tránh tình trạng ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội:

“Với tư cách là một người sống ở Hà Nội, thì tôi cũng rất là lo và tìm cách bảo vệ mình bằng việc không đi ra ngoài vào những khoảng thời gian nó có mây mù buổi sáng hoặc nếu không có việc gì thì tôi ở trong nhà. Đối với một người về hưu như tôi thì có thể làm như vậy, nhưng mà bao nhiêu người ở tuổi lao động, thì họ phải đi làm việc. Lúc mà làm việc buổi sáng sớm, thì là lúc sương mù và cộng thêm xe cộ đi vào giờ cao điểm, thì phải nói là đi vào lúc đấy rất khó chịu”.

Bộ Y tế cho biết rằng đối với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí như trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi, “nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác”.

Cơ quan y tế này nói rằng “nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà cần hạn chế tối đa thời gian thực hiện các hoạt động ngoài trời và sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn”.

Bộ cũng kêu gọi người dân nói chung “thường xuyên theo dõi” tình hình chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố để “thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe phù hợp”.