Philippines gửi nhu yếu phẩm cho quân nhân đồn trú ở Biển Đông

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

Philippines cho biết đầu tháng này họ đã chuyển nhu yếu phẩm cho quân nhân đồn trú tại các thực thể ở Biển Đông mà Manila chiếm đóng nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Hải cảnh Trung Quốc hôm 17/12 nói rằng Philippines đã cử một tàu dân sự để chuyển nhu yếu phẩm cho một tàu chiến "bị để mắc cạn bất hợp pháp" tại Bãi Cỏ Mây vào ngày 12 tháng 12 "với sự cho phép của Trung Quốc".

Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh chưa có phản hồi ngay lập tức về tuyên bố này.

Lực lượng vũ trang Philippines cho biết rằng chuyến tàu tiếp tế này, vốn diễn ra từ ngày 3 đến ngày 14/12, đã chuyển "các nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ và duy trì cuộc sống" và "các gói quà Giáng sinh" để nâng cao tinh thần cho những người lính xa gia đình trong dịp lễ cuối năm.

Mặc dù tuyên bố của họ không nêu lên các thực thể mà chuyến tàu tiếp tế này ghé qua để bốc dỡ nhu yếu phẩm, nhưng những bức ảnh do quân đội Philippines chia sẻ cho thấy hàng hóa được bốc dỡ cho quân nhân đồn trú trên tàu chiến Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây.

Tuần trước, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết nước này sẽ không triển khai hải quân hỗ trợ ngư dân Philippines ở một bãi cạn tranh chấp khác ở Biển Đông để tránh leo thang.

Vào ngày 4 tháng 12, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã phun vòi rồng và va quẹt vào một tàu của cục thủy sản Manila đang vận chuyển hàng tiếp tế cho ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough, theo các quan chức Philippines.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc nói rằng các tàu của Philippines "đã tiếp cận một cách nguy hiểm" lãnh hải của Bắc Kinh xung quanh bãi cạn Scarborough.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang trong suốt năm qua do các tranh chấp ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.

Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền với các phần khác nhau của tuyến hàng hải trọng yếu với giá trị hàng hóa giao thương hơn 3 nghìn tỷ đô la này.

Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết hồi năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague rằng các yêu sách chủ quyền rộng lớn của họ không được luật pháp quốc tế công nhận.