E ngại vũ khí siêu thanh Trung Quốc, Mỹ tìm cách trang bị tên lửa Patriot cho tàu chiến

Tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE.

Lo sợ Trung Quốc sẽ triển khai vũ khí siêu thanh để đánh chìm tàu chiến ở Thái Bình Dương, hải quân Hoa Kỳ đang tiến hành kế hoạch trang bị tên lửa đánh chặn Patriot cho một số tàu chiến của mình, theo hai quan chức quốc phòng cấp cao cho biết.

Một quan chức trong ngành nói rằng việc đưa tên lửa đánh chặn tiên tiến cực kỳ linh hoạt PAC-3 MSE (Patriot Advanced Capability-3 Missile Segment Enhancement), vốn chủ yếu được quân đội Hoa Kỳ sử dụng, lên tàu chiến của hải quân Mỹ cho thấy dự đoán về những tiến bộ trong công nghệ tên lửa của Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí siêu thanh có khả năng cơ động cao.

Việc tích hợp tên lửa do Lockheed Martin sản xuất với hệ thống phòng không của tàu chiến diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang âm ỉ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa quân đội và sau những nỗ lực phòng thủ tên lửa thành công ở Ukraine và Trung Đông.

Số lượng tên lửa đánh chặn PAC-3 mà Hải quân Mỹ cần vẫn chưa rõ ràng, nhưng nhu cầu chung đang “tăng vọt”, theo Tom Karako, chuyên gia phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết.

Ông Karako nói rằng có sự quan tâm lớn từ các chính phủ nước ngoài và cho biết thêm rằng quân đội Hoa Kỳ muốn tăng gấp đôi sản lượng trong những năm tới.

Hoa Kỳ đã chọn Nhật Bản, một đồng minh quan trọng, làm địa điểm sản xuất chung tên lửa Patriot trong khi Lockheed Martin muốn thiết lập một dây chuyền sản xuất mới cho đầu dò tên lửa tại Florida, theo các nguồn tin trong ngành nói với Reuters.

Nhà máy đó sẽ bổ sung cho nỗ lực sản xuất đầu dò của Boeing, và Lockheed Martin hỗ trợ về việc sản xuất thêm cho quân đội Hoa Kỳ, nơi sẽ phải chuẩn thuận.

PAC-3 đã bắn hạ tên lửa siêu thanh cơ động ở Ukraine. Hải quân Mỹ cho rằng họ có thể bổ sung thêm một lớp có xác suất cao nữa vào hệ thống chống tên lửa của mình, vốn chưa được thử nghiệm thực chiến với các loại vũ khí như vậy.

Hải quân Mỹ nói với Reuters rằng “Cần phải thử nghiệm thêm trong lộ trình phát triển, bao gồm việc phóng PAC-3 MSE từ tàu và xác thực thông tin liên lạc với radar SPY-1”, vốn là cảm biến chính trong hệ thống tên lửa Aegis.

Quyết định này được đưa ra sau những nỗ lực của quân đội Hoa Kỳ trong việc tạo ra vũ khí mới và chiến lược mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn Bắc Kinh gây ra xung đột hoặc giành chiến thắng nếu xung đột xảy ra.

Tên lửa đạn đạo chống hạm tinh vi nhất của Bắc Kinh, DF-27, sử dụng phương tiện lướt siêu thanh để cơ động đến mục tiêu, đã được thử nghiệm vào năm 2023. Báo cáo quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc năm đó cho biết vũ khí này “đang được phát triển”.

Giám đốc chương trình cho biết rằng đối mặt với vũ khí tiên tiến của Trung Quốc, bao gồm đầu đạn lướt siêu thanh, những phẩm chất đó “bổ sung rất tốt cho các tên lửa hiện có trên tàu của Hoa Kỳ” bằng cách có thể dễ dàng bắn trúng các tên lửa đạn đạo cơ động tốc độ cao và phá hủy chúng.

Cũng như các quan chức ngành công nghiệp và quốc phòng, ông từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông.