Campuchia: Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một tài phiệt là bất công, có động cơ chính trị

Nhà tài phiệt Campuchia Ly Yong Phat.

Bộ ngoại giao Campuchia hôm thứ Sáu bày tỏ rất lấy làm tiếc về quyết định trừng phạt của Mỹ đối với một tài phiệt và là thượng nghị sĩ vì cáo buộc buôn người bị ép vào làm việc trong các cơ sở lừa đảo, gọi đó là động cơ chính trị.

Kế hoạch áp đặt lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ lần đầu tiên được Reuters đưa tin vào thứ Năm và diễn ra trong giai đoạn nhạy cảm trong mối quan hệ giữa hai nước, khi Campuchia ngày càng xích lại gần hơn với đối thủ chiến lược của Washington là Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm lôi kéo nhà lãnh đạo mới của nước này là Hun Manet, con trai cựu thủ tướng Hun Sen.

Bộ ngoại giao Campuchia nói trong một tuyên bố rằng “việc áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương như vậy làm suy yếu sự tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản chi phối quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt là các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền và không can thiệp”.

Tài phiệt bị nhắm đến là Ly Yong Phat, người được bổ nhiệm làm cố vấn cá nhân cho ông Hun Sen vào năm 2022. Ông Hun Sen đã giữ chức thủ tướng trong gần bốn thập kỷ và vẫn hoạt động chính trị với tư cách là chủ tịch Thượng viện.

Các lệnh trừng phạt nhắm vào tập đoàn L.Y.P Group Co. của ông và một khách sạn, O-Smach Resort. Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết họ cũng trừng phạt Garden City Hotel, Koh Kong Resort và Phnom Penh Hotel có trụ sở tại Campuchia vì thuộc sở hữu hoặc do ông Ly kiểm soát.

Tập đoàn L.Y.P không trả lời lập tức yêu cầu bình luận hôm thứ Sáu của Reuters.

Bradley Smith, quyền thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách về khủng bố và tình báo tài chính, nói động thái này được thực hiện để “truy cứu những kẻ tham gia vào nạn buôn người và các hành vi lạm dụng khác, đồng thời phá vỡ khả năng điều hành các chương trình gian lận đầu tư nhắm vào vô số cá nhân nhẹ dạ, bao gồm cả người Mỹ”.

Campuchia và một số quốc gia ở Đông Nam Á trong những năm gần đây đã nổi lên như là tâm điểm của ngành công nghiệp tội phạm trị giá hàng tỷ đô la nhắm vào các nạn nhân trên toàn thế giới bằng tiền điện tử gian lận và các chiêu trò khác, thường hoạt động từ các khu phức hợp kiên cố do các tổ chức tội phạm Trung Quốc điều hành và có nhân viên là những nạn nhân bị buôn người.

Jacob Sims, một nhà phân tích có trụ sở tại Đông Nam Á chuyên về các vấn đề tội phạm xuyên quốc gia và nhân quyền, nói các lệnh trừng phạt đã gửi một thông điệp từ chính phủ Hoa Kỳ rằng lừa đảo cưỡng bức đã trở thành “mối quan ngại đáng kể về an ninh quốc gia”.