Tàu thăm dò Chang’e-6 của Trung Quốc đã chuyển các mẫu đất đá mà nó thu thập được từ phía xa của mặt trăng sang một tàu vũ trụ trên quỹ đạo mặt trăng hôm thứ Năm (6/6), hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin.
Sau khi nhận được các mẫu, tàu vũ trụ không người lái sẽ bay trở lại Trái đất, dự kiến sẽ hạ cánh xuống khu vực Nội Mông của Trung Quốc vào ngày 25/6. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên đưa vật chất trở về từ khu vực vĩnh viễn xoay lưng với Trái đất trên mặt trăng.
Tàu thăm dò Chang’e-6 cất cánh từ khu vực phía xa của mặt trăng vào thứ Ba, sau hai ngày ở trên bề mặt để đào mẫu đất đá. Tân Hoa Xã cho biết tàu Chang’e-6 đã cắm trên phía xa của mặt trăng một lá cờ Trung Quốc làm từ đá bazan, một loại vật liệu có nhiều trên bề mặt của mặt trăng.
Sứ mệnh này vốn là niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc. Việc phóng tàu thăm dò hồi tháng 5 đã thu hút hàng nghìn khách du lịch đến tỉnh đảo Hải Nam ở phía nam. Mọi hành động tiếp theo của tàu này, từ hạ cánh xuống vùng tối của mặt trăng cho đến hành trình trở về Trái đất, đều là chủ đề được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Việc chuyển giao thành công các mẫu vật quý giá vào hôm thứ Năm, mà các nhà khoa học hy vọng có thể tiết lộ thêm về nguồn gốc của hệ mặt trời, diễn ra khi Hoa Kỳ bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về những tiến bộ trong các chương trình thám hiểm không gian và mặt trăng của Trung Quốc.
Hôm thứ Tư, khi được hỏi về sứ mệnh Hằng Nga 6, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ NASA, Bill Nelson, đã chúc mừng Trung Quốc nhưng yêu cầu nước này cởi mở hơn về các hoạt động không gian của mình.
Ông Nelson đã nhiều lần cảnh báo rằng Hoa Kỳ đang trong một “cuộc chạy đua vào không gian” với Trung Quốc trong việc quay trở lại mặt trăng và Trung Quốc sẽ tuyên bố bất kỳ nguồn tài nguyên nước nào họ tìm thấy ở đó đều là của riêng mình.
Trả lời bình luận của ông Nelson, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm thứ Năm nói việc lấy mẫu và cất cánh thành công của tàu thăm dò Chang’e-6 từ khu vực phía xa của mặt trăng thể hiện những bước đi lịch sử đối với “việc sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình của nhân loại” và rằng nhiều quốc gia ca ngợi sứ mệnh này.
Bà Mao cũng chỉ trích Tu chính án Wolf, một đạo luật được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 2011 cấm NASA hợp tác với “Trung Quốc hoặc bất kỳ công ty nào thuộc sở hữu của Trung Quốc trừ khi các hoạt động đó được cho phép cụ thể”.
Bà nói: “Hợp tác không gian Trung-Mỹ hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề và khó khăn, nguyên nhân sâu xa là các luật trong nước của Hoa Kỳ như Tu chính án Wolf đã cản trở các cuộc trao đổi và đối thoại bình thường giữa các cơ quan vũ trụ của hai nước”.