Nga hôm thứ Năm (2/5) nói rằng họ thấy vô ích khi tổ chức một hội nghị do Thụy Sĩ lên kế hoạch vào giữa tháng 6 để thảo luận về cách chấm dứt xung đột Ukraine và Moscow hiện không được mời tham dự.
Chính phủ Thụy Sĩ hôm thứ Năm cho biết “ở giai đoạn này” Nga không nằm trong số hàng chục quốc gia được mời, đồng thời nói thêm rằng mặc dù họ sẵn sàng mời Nga tham gia nhưng Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ không quan tâm.
Thụy Sĩ hồi tháng 1 cho biết sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói Moscow không coi đây là một sáng kiến đáng tin cậy.
“Chúng tôi không hiểu kiểu hội nghị hòa bình này là như thế nào”, ông nói với các phóng viên.
“Chúng ta đang nói về kiểu hội nghị gì thế, loại hội nghị nghiêm túc nào mà có những kỳ vọng mang lại một số kết quả thực sự lại không có sự tham gia của Nga?”
Ông nói: “Điều này là hoàn toàn bất khả thi và rõ ràng đây là một kiểu sáng kiến chẳng tập trung gì vào kết quả”.
Chính phủ Thụy Sĩ cho biết trong một tuyên bố rằng: “Một tiến trình hòa bình mà không có Nga là bất khả thi”.
Về phần mình, chính phủ Ukraine đã đặt câu hỏi về tính thiết thực của việc Nga tham gia vào các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra từ ngày 15-16/6 gần thành phố Lucerne của Thụy Sĩ.
“Chúng tôi biết rằng sẽ không có ý nghĩa gì khi có Nga ngồi vào bàn đàm phán mà bạn không thể đảm bảo rằng họ hành động một cách thiện chí”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Chính sách đối ngoại xuất bản vào tuần này.
Ông Kuleba cho rằng việc gây áp lực lên Nga trên chiến trường và tập hợp các nước “có chung chí hướng” sẽ giúp Moscow sẵn sàng tham gia đối thoại hơn.
Các quan chức Nga đề cập đến việc Thụy Sĩ áp dụng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow liên quan đến việc nước này xâm lược Ukraine và cho rằng Thụy Sĩ thiếu uy tín với tư cách là một nhà môi giới trung lập.
Chính phủ Thụy Sĩ nói các cuộc đàm phán sẽ dựa trên công thức hòa bình của Tổng thống Zelenskyy và các đề xuất hòa bình khác dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc chính của luật pháp quốc tế.
Những phái đoàn được mời bao gồm các thành viên của nhóm G7, G20, BRICS, EU, các tổ chức quốc tế và hai đại diện tôn giáo, Thụy Sĩ cho biết thêm.
Các cuộc đàm phán nhằm mục đích tạo ra một khuôn khổ cho một nền hòa bình lâu dài và một lộ trình cho sự tham gia của Nga vào tiến trình này.
Chính phủ Thụy Sĩ nói: “Mục tiêu bao trùm của hội nghị thượng đỉnh là truyền cảm hứng cho một tiến trình hòa bình trong tương lai”.
Các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Nga và Ukraine đã đổ vỡ trong vài tuần đầu tiên sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào ngày 24/2/2022.