Đường dẫn truy cập

Mỹ ban hành lệnh trừng phạt Nga, nhắm vào các công ty Trung Quốc


Trụ sở Bộ Ngân khố Mỹ tại Washington. Bộ Ngân khố ngày 1/5/2024 đã trừng phạt gần 60 mục tiêu ở Azerbaijan, Bỉ, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Slovakia.
Trụ sở Bộ Ngân khố Mỹ tại Washington. Bộ Ngân khố ngày 1/5/2024 đã trừng phạt gần 60 mục tiêu ở Azerbaijan, Bỉ, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Slovakia.

Hoa Kỳ ngày 1/5 ban hành hàng trăm chế tài mới nhắm vào Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine để ngăn chặn việc Moscow né trừng phạt của phương Tây, bao gồm cả thông qua Trung Quốc.

Bộ Ngân khố Mỹ áp đặt chế tài đối với gần 200 mục tiêu, trong khi Bộ Ngoại giao chỉ định hơn 80 mục tiêu.

Hoa Kỳ đã áp đặt các chế tài đối với 20 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong, sau những cảnh báo liên tục từ Washington về sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với quân đội Nga, bao gồm cả các chuyến đi gần đây của Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen và Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Quốc.

Sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga là một trong nhiều vấn đề đe dọa làm xấu đi sự cải thiện gần đây trong quan hệ giữa Mỹ-Trung, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bà Yellen cho biết trong một tuyên bố: “Bộ Ngân khố đã liên tục cảnh báo rằng các công ty sẽ phải đối mặt với những hậu quả đáng kể khi cung cấp hỗ trợ vật chất cho cuộc chiến của Nga và hôm nay Mỹ đang áp đặt chúng lên gần 300 mục tiêu”.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt chế tài đối với hàng nghìn mục tiêu kể từ khi Nga xâm chiếm nước láng giềng Ukraine. Chiến tranh đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và các thành phố bị phá hủy.

Kể từ đó, Washington đã tìm cách trấn áp hành vi trốn tránh các biện pháp của phương Tây, bao gồm cả việc ban hành các chế tài đối với các công ty ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Công nghệ và thiết bị

Hành động của Bộ Ngân khố ngày 1/5 đã trừng phạt gần 60 mục tiêu ở Azerbaijan, Bỉ, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Slovakia mà họ cáo buộc đã tạo điều kiện cho Nga “có được công nghệ và thiết bị rất cần thiết từ nước ngoài”.

Động thái này bao gồm các biện pháp chống lại một công ty có trụ sở tại Trung Quốc mà Bộ Ngân khố cho biết đã xuất khẩu các mặt hàng để sản xuất máy bay không người lái - như cánh quạt, động cơ và cảm biến - cho một công ty ở Nga. Các nhà cung cấp công nghệ khác có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong cũng là mục tiêu.

Bộ Ngoại giao cũng áp đặt các chế tài đối với 4 công ty có trụ sở tại Trung Quốc mà họ cáo buộc hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, bao gồm cả việc vận chuyển các mặt hàng quan trọng cho các thực thể bị Mỹ trừng phạt ở Nga, cũng như các công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ, Kyrgyzstan và Malaysia mà họ cáo buộc vận chuyển mặt hàng ưu tiên cao của Nga.

Bộ Ngân khố cũng nhắm mục tiêu vào việc Nga mua lại tiền chất thuốc nổ mà Nga cần để tiếp tục sản xuất thuốc súng, thuốc phóng phi đạn và các chất nổ khác, bao gồm cả việc thông qua các chế tài đối với hai nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc gửi các chất này sang Nga.

Mỹ ngày 1/5 cũng cáo buộc Nga vi phạm lệnh cấm vũ khí hóa học toàn cầu khi liên tục triển khai chất gây nghẹt thở chloropicrin chống lại quân đội Ukraine và sử dụng chất kiểm soát bạo loạn “như một phương pháp chiến tranh” ở Ukraine.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng mở rộng mục tiêu về khả năng vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng, hay LNG, một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga, trong tương lai.

Bộ chỉ định hai nhà vận hành tàu liên quan đến công nghệ vận chuyển, bao gồm thiết bị kết cấu dựa trên trọng lực hoặc chân bê tông hỗ trợ các giàn khoan ngoài khơi, cho dự án LNG 2 ở Bắc Cực của Nga.

Các chế tài trước đây của Mỹ đối với LNG 2 Bắc Cực vào tháng trước đã buộc Novatek, nhà sản xuất LNG lớn nhất của Nga, phải đình chỉ sản xuất tại dự án này, vốn đang thiếu tàu chở nhiên liệu.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cùng bị nhắm mục tiêu là các công ty con của công ty điện hạt nhân nhà nước Nga, Rosatom, cũng như 12 thực thể trong nhóm các công ty Sibanthracite, một trong những nhà sản xuất than luyện kim lớn nhất của Nga.

Washington cũng áp đặt chế tài đối với hãng hàng không Pobeda của Nga, một công ty con của hãng hàng không Aeroflot của Nga.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ trước đó đã bổ sung hơn 200 máy bay Boeing và Airbus do các hãng hàng không Nga vận hành vào danh sách kiểm soát xuất khẩu như một phần trong chế tài của chính quyền Biden đối với việc Nga xâm lược Ukraine.

Các chế tài về vụ ông Navanly

Bộ Ngoại giao cũng nhắm vào ba người liên quan đến cái chết của cố lãnh đạo phe đối lập Nga Alexey Navalny, một tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Vladimir Putin. Ông chết vào tháng 2 trong một nhà tù ở Bắc Cực của Nga.

Chính quyền Nga cho biết ông chết vì nguyên nhân tự nhiên. Những người theo ông tin rằng ông đã bị chính quyền giết chết, điều mà Điện Kremlin phủ nhận.

Hành động ngày 1/5 nhắm vào giám đốc trại cải huấn ở Nga, nơi ông Navalny bị giam giữ trong phần lớn thời gian tù đày, cũng như người đứng đầu biệt giam và người đứng đầu đơn vị y tế tại nơi ông bị giam giữ trước khi chết.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG