Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (22/2) đã bay trên máy bay chiến lược có khả năng ném bom hạt nhân Tu-160M được hiện đại hóa, trong một động thái có thể được phương Tây xem như một lời nhắc nhở rõ ràng về khả năng hạt nhân của Moscow.
Chiếc máy bay cánh xòe khổng lồ, được liên minh quân sự NATO đặt tên mã là “Blackjacks”, là phiên bản hiện đại hóa của máy bay ném bom thời Chiến tranh Lạnh mà Liên Xô cũ sẽ triển khai trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân để vận chuyển vũ khí ở khoảng cách xa.
Truyền hình nhà nước chiếu cảnh Putin bước xuống thang máy bay sau chuyến bay và nói với các phóng viên rằng đây là một chiếc máy bay hiện đại và đáng tin cậy, có thể được Không quân Nga chấp nhận.
“Đó là một cỗ máy mới, có nhiều điểm mới. Nó dễ điều khiển hơn và đáng tin cậy”, ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga, người được cho là sẽ dễ dàng giành được thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa vào tháng tới, đã thực hiện chuyến bay vào thời điểm Moscow và phương Tây đang bất đồng về cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cái chết trong tù của chính trị gia đối lập Alexei Navalny.
Một số nhà ngoại giao Nga và Mỹ nói rằng họ không nghĩ có thời điểm nào mà mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới trở nên tồi tệ hơn, kể cả trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Truyền hình nhà nước chiếu cảnh chiếc máy bay khổng lồ mà Nga đặt biệt danh là “Thiên nga trắng”, cất cánh và hạ cánh tại đường băng thuộc nhà máy ở Kazan, nơi chế tạo máy bay siêu thanh hiện đại hóa, và phóng viên Pavel Zarubin hào hứng gọi đây là “một sự kiện độc nhất vô nhị”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói đường bay của máy bay là bí mật quân sự. Các hãng thông tấn Nga đưa tin chuyến bay chở ông Putin kéo dài 30 phút.
Tu-160M, có tổ lái 4 người, có khả năng mang theo 12 tên lửa hành trình hoặc 12 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và có thể bay quãng đường 12.000 km (7.500 dặm) không ngừng nghỉ mà không cần tiếp nhiên liệu.
Học thuyết hạt nhân của Nga đặt ra các điều kiện mà theo đó một tổng thống Nga sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân: nói rộng ra là phản ứng trước một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc việc sử dụng vũ khí thông thường chống lại Nga “khi sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa”.
Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân với phương Tây kể từ khi Moscow đưa hàng chục nghìn quân vào Ukraine vào năm 2022.
Nhưng ông Putin, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga, hồi tháng 10 nói rằng sự tồn tại của nhà nước Nga không bị đe dọa và rằng “không một người có đầu óc tỉnh táo và trí nhớ rõ ràng nào lại nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga”.
Ông Putin, 71 tuổi, đã lái chiếc máy bay Tu-160 phiên bản cũ hơn vào năm 2005 trong một cuộc tập trận.
Theo hợp đồng được ký năm 2018, 10 máy bay ném bom hạt nhân Tu-160M hiện đại hóa sẽ được giao cho Không quân Nga đến năm 2027 với chi phí 15 tỷ rúp (163 triệu USD) mỗi chiếc.
Tupolev, nhà sản xuất máy bay, cho biết phiên bản hiện đại hóa có hiệu quả cao hơn 60% so với phiên bản cũ với những cải tiến đáng kể về vũ khí, dẫn đường và hệ thống điện tử hàng không.