Đường dẫn truy cập

Giới phân tích: Nga khó có thể đưa đầu đạn hạt nhân vào không gian


Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung tướng Scott Berrier năm 2023 cho biết Nga đang phát triển một loạt vũ khí được thiết kế để nhắm vào các vệ tinh riêng lẻ.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung tướng Scott Berrier năm 2023 cho biết Nga đang phát triển một loạt vũ khí được thiết kế để nhắm vào các vệ tinh riêng lẻ.

Loại vũ khí đặt trên không gian mà tình báo Mỹ tin rằng Nga có thể đang phát triển có nhiều khả năng là một thiết bị chạy bằng năng lượng hạt nhân để làm mù, gây nhiễu hoặc đốt cháy các thiết bị điện tử bên trong vệ tinh hơn là một đầu đạn hạt nhân để bắn hạ chúng, giới phân tích cho biết hôm 15/2.

Tin tình báo được đưa ra ánh sáng hôm 14/2 sau khi Dân biểu Mike Turner, chủ tịch của ủy ban tình báo Hạ viện Hoa Kỳ, đưa ra một tuyên bố bất thường cảnh báo về “mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng”.

Một nguồn tin được thuyết trình về vấn đề này nói với Reuters rằng Washington có thông tin tình báo mới liên quan đến năng lực hạt nhân của Nga và những nỗ lực phát triển vũ khí trên không gian, nhưng nói thêm rằng năng lực mới của Nga không gây ra mối đe dọa khẩn cấp cho Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lặp lại quan điểm này hôm 15/2, nói rằng “đây không phải là một khả năng hoạt động”.

Các nhà phân tích theo dõi các chương trình không gian của Nga cho biết mối đe dọa không gian có thể không phải là đầu đạn hạt nhân mà là một thiết bị công suất cao cần năng lượng hạt nhân để thực hiện một loạt cuộc tấn công chống lại vệ tinh.

Chúng có thể bao gồm thiết bị gây nhiễu tín hiệu, vũ khí có thể làm mù cảm biến hình ảnh hoặc - một khả năng khủng khiếp hơn – các xung điện từ (gọi tắt là EMP) có thể đốt cháy tất cả các thiết bị điện tử của vệ tinh trong một vùng quỹ đạo nhất định.

Ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành của nhóm ủng hộ Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nói: “Việc Nga đang phát triển một hệ thống chạy bằng nguồn hạt nhân... có khả năng tác chiến điện tử khi ở trên quỹ đạo có nhiều khả năng hơn giả thuyết cho rằng Nga đang phát triển vũ khí mang đầu đạn nổ hạt nhân”.

Một phúc trình của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ năm 2023 cho biết Nga đang phát triển một loạt vũ khí được thiết kế để nhắm vào các vệ tinh riêng lẻ và cũng có thể đang phát triển “các hệ thống công suất cao hơn nhằm mở rộng mối đe dọa đối với cấu trúc của tất cả các vệ tinh”.

Điện Kremlin hôm 15/2 đã bác bỏ cảnh báo của Hoa Kỳ về khả năng hạt nhân mới của Moscow trong không gian, gọi đó là “sự bịa đặt ác ý”.

Mối đe dọa hạt nhân

Vũ khí phi hạt nhân chống vệ tinh đã tồn tại trong nhiều năm.

Nga vào năm 2021 đã làm theo Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ bằng cách thử phi đạn chống vệ tinh có sức hủy diệt trên một trong những vệ tinh cũ của họ, làm nổ tung nó thành hàng nghìn mảnh hiện vẫn còn sót lại trên quỹ đạo Trái đất.

Việc phát nổ vũ khí hạt nhân trong không gian sẽ là một vấn đề hoàn toàn khác.

Ông Brian Weeden, nhà phân tích tại Secure World Foundation, cho rằng Nga sẽ phá hoại uy tín của mình nếu cho nổ vũ khí hạt nhân trong không gian, một khả năng có ý nghĩa sâu sắc đối với cả vệ tinh quân sự và thương mại.

Ông Weeden nói: “Người Nga đã dành 40 năm ở Liên hiệp quốc để chỉ trích Mỹ về việc muốn vũ khí hóa không gian và đưa vũ khí vào không gian và cam kết rằng họ sẽ không bao giờ làm điều đó”.

Ông nói thêm: “Nếu họ làm vậy (cho nổ một thiết bị hạt nhân trong không gian), họ sẽ mất tất cả. Tất cả các quốc gia đang hỗ trợ họ về Ukraine và né tránh các lệnh trừng phạt, không còn nữa.”

Ông James Acton, chuyên gia hạt nhân tại tổ chức tư vấn mang tên Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết việc Nga đưa vũ khí hạt nhân lên quỹ đạo sẽ là “vi phạm trắng trợn Hiệp ước ngoài vũ trụ”.

Hiệp ước năm 1967 mà Hoa Kỳ và Nga là thành viên, cấm các bên ký kết đặt “vào quỹ đạo quanh trái đất bất kỳ vật thể nào mang vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác.”

Ông Acton cho biết, việc vi phạm hiệp ước sẽ làm suy yếu thêm các nỗ lực khôi phục quyền kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga sau quyết định của Nga năm 2023 đình chỉ tham gia hiệp ước START Mới, vốn giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà mỗi nước có thể triển khai.

Các nhà phân tích cho biết vũ khí chống vệ tinh có thể làm tê liệt liên lạc quân sự và thương mại, làm suy yếu khả năng hoạt động của lực lượng vũ trang cũng như hệ thống định vị toàn cầu (GPS) mà tất cả mọi người từ tài xế Uber đến dịch vụ giao đồ ăn đều sử dụng.

Một cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết: “Người Nga nghĩ rằng chúng ta mù nếu chúng ta không tiếp cận được vệ tinh của mình và điều đó có thể đúng”. “Khả năng dựa vào vệ tinh của chúng ta là một lợi thế lớn trong một cuộc đối đầu tiềm tàng nhưng cũng là một điểm yếu to lớn”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG