Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, Rahm Emanuel, đến thăm khu vực Fukushima hôm thứ Năm 31/8 và nói với các phóng viên rằng ông kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Nhật Bản nếu lệnh cấm hải sản của Trung Quốc biến thành tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO).
Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị sụp đổ vào Thái Bình Dương hôm 24/8, khiến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, áp đặt lệnh cấm đối với toàn bộ hải sản của Nhật Bản.
Các quan chức Nhật Bản đã báo hiệu khả năng thực hiện hành động ngoại giao để thúc giục Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm, điều mà Nhật Bản cho rằng không dựa trên bằng chứng khoa học. Nhật Bản cũng tính tới việc nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO).
“Nếu Nhật Bản quyết định thực hiện nỗ lực đó, Hoa Kỳ sẽ đứng về phía họ không chỉ vì họ là đồng minh mà còn vì tính hợp pháp của việc này”, đại sứ Mỹ nói. Ông lưu ý thêm rằng ông không thể phán đoán trước điều gì sẽ xảy ra và sự hỗ trợ như vậy cuối cùng sẽ thuộc về quyết định của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ có liên quan.
Nhật Bản đã xuất khẩu thủy sản trị giá khoảng 600 triệu USD sang Trung Quốc vào năm 2022, khiến Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cho xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản, tiếp theo là Hong Kong, nơi cũng đã công bố lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ 10 khu vực của Nhật Bản sau khi Fukushima xả nước phóng xạ.
Nhật Bản đang tìm cách dừng ngay lệnh cấm của Trung Quốc và phàn nàn về việc nhận được nhiều cuộc điện thoại quấy rối kể từ khi xả nước.
“Cưỡng ép kinh tế chống lại Nhật Bản, các cuộc gọi tự động quấy rối và thông tin sai lệch ở cả Nhật Bản và các nước xung quanh đều xuất phát từ vở kịch của Trung Quốc. Đây hoàn toàn là chiêu trò chính trị”, đại sứ Emanuel nói.
Thủ tướng Fumio Kishida đã đến thăm chợ cá lớn nhất Tokyo hôm 31/8 và cho biết nội các của ông sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ ngành đánh bắt cá vào đầu tuần tới.
Chính phủ sẽ sử dụng hàng chục tỷ yen (hàng trăm triệu USD) từ dự trữ ngân sách cho năm tài chính này để tài trợ cho các biện pháp, tờ Nikkei đưa tin.
Ông Kishida nói với các phóng viên sau chuyến thăm chợ cá Toyosu rằng các yêu cầu từ ngành này bao gồm hỗ trợ cho các công ty phát triển thị trường mới và thảo luận với phía Trung Quốc.
Chính phủ đã thành lập hai quỹ trị giá 80 tỷ yên (548 triệu USD) để giúp phát triển thị trường mới và đông lạnh lượng cá dư thừa cho đến lúc có thể bán khi nhu cầu phục hồi, cùng nhiều biện pháp khác.
Tại thành phố Soma, gần nhà máy hạt nhân bị sụp đổ, đại sứ Emanuel đã ăn trưa với thị trưởng Hidekiyo Tachiya và ăn hải sản đánh bắt tại địa phương. Ông cũng mua hải sản ở siêu thị và nếm thử đào Fukushima trong khi giao lưu với các khách hàng khác.