Ngân hàng Thế giới (WB) hôm thứ Năm (10/8) dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ giảm xuống 4,7% trong năm nay, từ mức 8% của năm ngoái, do môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu đi.
Theo báo cáo có tựa đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng” mà WB vừa công bố, môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chậm lại. Tuy nhiên, nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay và những năm tiếp theo.
Báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại từ 8% năm 2022 xuống còn 3,7% trong nửa đầu năm 2023. Báo cáo dự báo mức tăng trưởng vừa phải là 4,7% vào năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025.
Ngân hàng Thế giới cho rằng với chính sách hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, loại bỏ các rào cản đối với việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể giúp cho nền kinh tế Việt Nam đạt được các mục tiêu trên và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Việt Nam hiện đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã đặt ra cho năm nay là 6,5%, do những thách thức liên quan đến thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Việc không đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược 10 năm 2021-2030 của Việt Nam.
“Nền kinh tế Việt Nam đang bị thử thách bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.
Theo bà, “Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hang, vì chúng là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn”.
Báo cáo của WB cũng đề xuất những lựa chọn chính sách nhằm giúp đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng, trong đó có việc thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư năm 2023 để kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế.
Về xuất khẩu, báo cáo đề xuất đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, chính sách tài khóa có thể đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích thực hành và tiêu dùng xanh, góp phần vào sự bền vững môi trường.
Để khai thác sức mạnh của đầu tư công, báo cáo khuyến nghị Việt Nam duy trì mức đầu tư, nâng cao chất lượng của dự án đề xuất và khắc phục những tồn tại trong quản lý đầu tư công và thể chế tài chính liên chính phủ.