Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 5,8% cho năm nay, và từ 6,8% xuống 6,2% cho năm 2024, theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 7/2023 vừa được công bố ngày 19/7.
Báo cáo nói nguyên nhân là do nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục gây áp lực lên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và chế tạo của Việt Nam khiến sản lượng bị kìm hãm chỉ còn ở mức 0,4%, con số nửa năm thấp nhất trong cả chục năm qua.
Theo phân tích trong báo cáo, tình trạng tăng trưởng thương mại yếu đi kể từ tháng 3/2023 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu.
Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện gần đây ở khu vực miền bắc và những vấn đề phức tạp trong lĩnh vực bất động sản.
Cuộc khủng hoảng tín dụng nhằm đối phó với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng tiếp xúc với rủi ro tài sản tăng cao đã siết chặt ngành xây dựng. Tuy vậy, tình hình du lịch nội địa bắt đầu phục hồi đã thúc đẩy tiêu dùng, với bán lẻ doanh số bán hàng tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2023.
Lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024, vẫn theo báo cáo của ADB.
ADB không phải là tổ chức duy nhất hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.
Việt Nam đặt ra mục tiêu GDP 6,5% cho năm 2023. Tuy nhiên, một số tổ chức tài chính lớn cho rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam năm nay khoảng 4,7%, thấp hơn 1,1 điểm % so với dự báo trước đó, vì lý do tổng cầu bên ngoài giảm mạnh trong nửa đầu năm đã tác động đến xuất khẩu.
Hồi đầu tháng này, Ngân hàng UOB (Singapore) cũng cho rằng Việt Nam sẽ rất khó đạt được mức tăng trưởng 6% mà họ đưa ra hồi đầu năm và hạ mức dự báo này xuống còn 5,2%. UOB dự báo nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có thêm đợt cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng.
Diễn đàn