Công an tỉnh Đăk Lăk hôm 21/7 bắt thêm 3 người với cáo buộc “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 Bộ Luật Hình sự, liên quan đến vụ tấn công vào hai trụ sở chính quyền ở tỉnh này vào tháng trước.
Ba người bị bắt gồm Y Khing Liêng, 31 tuổi, Nay Dương, 55 tuổi, và Y Hoăl Êban, 53 tuổi. Ba người đàn ông này đã bị bắt giữ ở khu vực đồi Độc Lập ở xã Ea Ktur, cách hiện trường vụ tấn công hôm 11/6 khoảng 3 km, theo VnExpress.
Tờ báo dẫn lời đại tá Nguyễn Văn Bôn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đăk Lăk, nói trong quá trình vây bắt 3 người này, cơ quan chức năng đã thu một khẩu súng và nhiều viên đạn.
Ba người đàn ông trên nằm trong danh sách 6 người bị công an Đăk Lăk truy nã đặc biệt sau vụ tấn công. Ba người còn lại, có độ tuổi từ 49-55 tuổi, đã bị bắt trước đó vào ngày 15/7.
Vụ tấn công xảy ra vào ngày 11/6 khi hai nhóm người được mô tả có trang bị súng và vũ khí tự chế tấn công vào hai trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, khiến 9 người thiệt mạng, bao gồm bí thư xã Ea Ktur, chủ tịch xã Ea Tiêu, 4 công an, 3 người dân, và một số người bị thương.
Bộ Công an Việt Nam nói đây là một vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và có sự tiếp tay, chỉ đạo từ nước ngoài.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa của Việt Nam, tại một hội nghị về chống khủng bố do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở New York, Mỹ, vào tháng trước, nói “có đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công”.
Tuy nhiên cho tới nay, phía Bộ Công an vẫn chưa nêu ra tên của một tổ chức nào, hay có bất cứ một tổ chức nước ngoài nào đứng ra nhận trách nhiệm liên quan đến vụ tấn công này.
Trong khi đó, một số tổ chức của người Thượng ở nước ngoài đã lên tiếng nói họ không biết và không liên quan gì đến cuộc tấn công. Họ kêu gọi Liên Hiệp Quốc, các chính phủ và tổ chức quốc tế hãy “vào cuộc” để tiến hành điều tra độc lập về vụ này nhằm tránh khả năng chính quyền Việt Nam sử dụng vụ việc như một cái cớ để tiếp tục đàn áp mạnh tay những người thiểu số ở Tây Nguyên.
Trong khi đó, giới quan sát và một số nhà hoạt động cho rằng nguyên nhân gốc rễ của sự việc là do người Thượng đã bị “dồn đến đường cùng” khi họ thường xuyên bị đối xử bất công, bị tước đoạt tài sản, ruộng vườn… dẫn đến mất kế sinh nhai, và mất cả quyền tự do về văn hoá, tôn giáo…
Cho tới nay, công an Việt Nam đã bắt hơn 90 người liên quan đến vụ tấn công, với các cáo buộc Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, không tố giác tội phạm, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Phía công an nói họ đã thu được 23 khẩu súng, bao gồm súng cả quân dụng, súng hơi và súng tự chế, 2 quả lựu đạn, gần 1.200 viên đạn, 15 kíp nổ, 1,2 kg vật liệu nổ, một nòng giảm thanh, 2 ống ngắm, một bộ mô hình mìn tập, 30 dao, 10 cờ FULRO và nhiều phương tiện, thiết bị gây án.