Thái Lan: ứng cử viên thủ tướng không lùi bước dù bị ngáng đường

Ông Pita Limjaroenrat bị phe bảo thủ chặn đường làm thủ tướng Thái Lan

Ứng viên Thủ tướng Thái Lan hôm 18/7 nói rằng ông sẵn sàng điều chỉnh tốc độ chương trình cải cách đầy tham vọng của đảng Tiến Lên của ông nếu ông trở thành thủ tướng, nhưng tuyên bố sẽ không lùi bước trong kế hoạch sửa đổi luật khi quân.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào đêm trước nỗ lực giành ghế thủ tướng lần thứ hai, ông Pita Limjaroenrat, người đã đưa đảng của mình giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Năm, mô tả nỗ lực của giới quân sự nhằm ngáng đường ông là ‘cứ một trò làm hoài’ và nói rằng Thái Lan đã bước vào kỷ nguyên mới với người dân mong muốn thay đổi.

Ông Pita, 42 tuổi, sẽ bước vào cuộc biểu quyết lần thứ hai tại Quốc hội để bầu thủ tướng, sau khi không thể giành được đủ số phiếu ủng hộ cần thiết là hơn một nửa số nghị sỹ hồi tuần trước do Thượng viện do quân đội chỉ định với lập trường bảo thủ nhất quyết chặn đường ông.

“Ai cũng nghĩ nó sẽ xảy ra, cùng một sự việc, ở cùng một nơi. Cứ một trò làm hoài. Nhưng tâm lý của thời đại đã thay đổi,” ông nói.

“Cho dù ngày mai có xảy ra chuyện gì đi nữa, xã hội đã có những bước tiến. Người dân đòi hỏi điều gì đó mới, cái gì đó mới mẻ.”

Đảng Tiến lên đã giành được sự ủng hộ của đông đảo giới trẻ cho chương trình cải cách chống định chế vốn sẽ làm gián đoạn chính quyền quân đội và là người chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử ngày 14/5, đè bẹp các đối thủ bảo thủ trong chiến thắng được coi là sự bác bỏ vang dội đối với chính quyền do quân đội bảo hoàng lãnh đạo hay hậu thuẫn trong gần một thập kỷ qua.

Nhưng nó bị bó buộc bởi hệ thống bầu cử do quân đội định hình mà ở đó Thượng viện, vốn thường bỏ phiếu theo quân đội và các đảng phái bảo thủ đầy uy quyền, có thể ngăn chặn các đảng chiến thắng thành lập chính phủ trên thực tế.

Ông Pita chỉ nhận được 13 phiếu trong tổng số 249 thượng nghị sĩ vào tuần trước. Hôm 18/7, ông kêu gọi các nghị sỹ đừng bỏ phiếu về ông, mà hãy bỏ phiếu cho các nguyên tắc của nền dân chủ.

“Sẽ rất lạ lùng phi lý khi một đảng chiến thắng với cách biệt bốn triệu phiếu, cách biệt 10%, lại trở thành lãnh đạo đối lập và thậm chí còn không có chân trong chính phủ liên minh,” ông nói.

“Chúng ta không thể nào giải thích với thế giới.”

Ông Pita sẽ phải đối mặt nhiều trở ngại hơn vào ngày 19/7, khi một số thượng nghị sĩ sẽ cố gắng ngăn ông ra ứng cử trong một cuộc bỏ phiếu khác, với lập luận rằng không nên đề cử một ứng viên hai lần.

Trong cùng ngày, Tòa án Hiến pháp sẽ xem xét đơn khiếu nại về vấn đề ông sở hữu cổ phần vốn được coi là vi phạm các quy tắc bầu cử để tìm cách loại bỏ ông.

“Phán quyết của tòa, các quy tắc của quốc hội và cả các thượng nghị sĩ – đó là ba đến bốn trở ngại xảy ra trùng hợp trong một ngày,” ông nói.

Chương trình nghị sự của Đảng Tiến lên gây tranh cãi. Nó đụng tới các vấn đề và định chế vốn lâu nay được coi là không thể đụng tới, bao gồm độc quyền kinh doanh, chấm dứt nghĩa vụ quân sự và không cho phép tham gia chính trị.

Mục tiêu táo bạo nhất là thay đổi điều 112 của Bộ luật hình sự, mà theo đó hàng trăm người đã bị buộc tội xúc phạm chế độ quân chủ với mức án tù lên tới 15 năm.

Quân đội Thái trong hàng chục năm đã viện dẫn nhiệm vụ bảo vệ chế độ quân chủ để biện minh cho sự can thiệp vào chính trị. Ông Pita nói rằng ‘tâm lý của thời đại’ có nghĩa là quân đội không còn có thể độc quyền trong mối quan hệ với chế độ quân chủ.