Đảng Tiến lên của Thái Lan hôm thứ Sáu 14/7 trình lên quốc hội một kiến nghị về hạn chế quyền lực của Thượng viện do quân đội chỉ định, một ngày sau khi viện này cản đường trở thành thủ tướng của lãnh đạo đảng Tiến lên.
Vai trò của Thượng viện gồm 249 thành viên trong việc quyết định về chức thủ tướng cùng với hạ viện dân bầu - một hệ thống do giới quân đội bảo hoàng thiết kế ra sau cuộc đảo chính năm 2014 - được coi là biện pháp hiến định nhằm bảo vệ lợi ích của các tướng lĩnh và giới quyền thế theo đường lối bảo thủ.
Đảng Tiến lên đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, nhưng cho dù đảng không có đối thủ và nhận được sự ủng hộ của liên minh gồm 8 đảng, song nhà lãnh đạo Pita Limjaroenrat của đảng này đã bị thất cử trong cuộc bỏ phiếu quan trọng về chức thủ tướng hôm 13/7, sau khi Thượng viện và các đảng có chân trong chính phủ sắp mãn nhiệm và được quân đội hậu thuẫn đã cùng nhau không chuẩn thuận cho ông giữ chức thủ tướng.
Chỉ có 13 thượng nghị sĩ ủng hộ ông Pita, 42 tuổi, những vị còn lại bỏ phiếu chống hoặc bỏ phiếu trắng, đảng của ông cho rằng một số người hành động như vậy vì bị ép buộc.
Tổng bí thư đảng Chaithawat Tulathon đã nộp một kiến nghị hôm 14/7 về sửa đổi một phần của hiến pháp. Vị tổng bí thư nói rằng "Đây là một giải pháp mà tất cả các bên sẽ cảm thấy thoải mái".
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình trước đó: “Có các thế lực thuộc nhóm quyền lực cũ gây áp lực lên Thượng viện - từ nhóm quyền lực cũ cho đến một số nhà tư bản không muốn thấy một chính phủ của đảng Tiến lên”. Ông nói thêm rằng có thể phải mất khoảng 1 tháng để thông qua kiến nghị.
Pita, một người theo đường lối khai phóng có xuất thân từ khu vực tư nhân, đã giành được sự ủng hộ to lớn của giới trẻ cho kế hoạch cải tạo nền chính trị và mang lại những cải cách cho các lĩnh vực và các định chế từ lâu được coi là bất khả xâm phạm.
Kế hoạch bao gồm cải cách chế độ quân chủ, cụ thể hơn là sửa luật cấm xúc phạm chế độ này, đó là chính sách gây tranh cãi nhất của đảng Tiến lên cho đến nay và là một trở ngại lớn trong nỗ lực thuyết phục các nhà lập pháp ủng hộ Pita.
Pita tuyên bố hôm 13/7 sẽ không từ bỏ các chính sách đó hoặc từ bỏ cuộc chiến giành chức thủ tướng. Ông có thể tái tranh cử nếu được đề cử trong cuộc bỏ phiếu tiếp theo về chức vụ này, diễn ra vào ngày 19/7, người phát ngôn Hạ viện xác nhận.
Căng thẳng chính trị trong tuần này đã được nhiều người dự đoán từ trước.
Trong hai thập kỷ nay, Thái Lan rơi vào vòng luẩn quẩn là cuộc đấu tranh quyền lực giữa một bên là các đảng có tư tưởng cải cách giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử, còn bên kia là mối liên kết giữa những người giàu có lâu đời và giới quyền thế quân sự quyết tâm bóp nghẹt các đảng đó.
Diễn đàn