Quá trình đàm phán đang bị đình trệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông dự kiến sẽ được nối lại vào tháng tới, sau khi hai bên xác nhận hoàn tất vòng đọc văn kiện lần thứ hai và thông qua tài liệu hướng dẫn đẩy nhanh quá trình đàm phán, truyền thông châu Á đưa tin hôm 13/7. Đồng thời, đại diện ngoại giao của Trung Quốc trong cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng kêu gọi hai bên “nỗ lực nhiều hơn” để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, và lưu ý Hà Nội nên “quan tâm nhiều hơn” đến lợi ích chung.
Sẵn sàng “củng cố lòng tin chiến lược”
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Jakarta, Indonesia, hôm 13/7, Chánh Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương của Trung Quốc, Vương Nghị, nói “Trung Quốc và Việt Nam nên thực hiện sự đồng thuận về việc xử lý thích đáng các vấn đề hàng hải mà lãnh đạo cấp cao của hai bên đã đạt được”, truyền thông Trung Quốc cho biết.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc cũng lưu ý hai bên đều là nước xã hội chủ nghĩa do đảng Cộng sản lãnh đạo, có cùng định hướng chính trị, nền kinh tế có tính bổ sung cao và triển vọng hợp tác rộng lớn.
Hai bên cần chung tay đi theo con đường hiện đại hóa của mỗi bên, tăng cường sức mạnh tổng hợp của những chiến lược phát triển và tăng cường hợp tác, và phía Bắc Kinh sẵn sàng củng cố lòng tin chiến lược chung và mở rộng hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, vẫn theo lời ông Vương.
Nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc còn nói thêm rằng phía Trung Quốc “sẵn sàng nhập khẩu nhiều sản phẩm của Việt Nam hơn” và lưu ý Hà Nội nên quan tâm hơn đến “lợi ích chung”, theo tường thuật của South China Morning Post (SCMP).
Về phần mình, ông Bùi Thanh Sơn bày tỏ mong muốn hai bên duy trì và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác để tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ông đề nghị Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các mặt hàng của Việt Nam.
Hai bên nhất trí sẽ thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở trên biển, TTXVN đưa tin.
Cuộc họp giữa hai đại diện ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng đang ngày càng gia tăng vì những sự kiện liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
ASEAN-Trung Quốc thông qua “Hướng dẫn” thúc đẩy COC
Trong một cột mốc được ca ngợi là “quan trọng” trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông vốn đã bị trì hoãn từ lâu, Trung Quốc và ASEAN hôm 13/7 thông báo về vòng đọc văn kiện lần thứ hai và thông qua tài liệu hướng dẫn, mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo với mong muốn một bộ quy tắc hiệu quả, thực chất, có tính ràng buộc sẽ sớm được hoàn tất.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ca ngợi bước tiến triển này là một cột mốc quan trọng và là một thành tựu “cần tiếp tục tạo động lực tích cực” cho mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và ASEAN.
“Chúng tôi muốn Trung Quốc trở thành một đối tác trung thành của ASEAN trong việc duy trì cấu trúc khu vực cởi mở và toàn diện. Chỉ thông qua điều này, chúng ta mới có thể đạt được sự hợp tác đôi bên cùng có lợi vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, bà Retno nói trong phiên họp hôm 13/7 của ASEAN.
Đáp lại, ông Vương Nghị nói: “Trung Quốc hoan nghênh việc kết thúc thành công vòng đọc thứ hai của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và ủng hộ tất cả các bên trong việc đẩy nhanh việc hình thành các hướng dẫn, với hy vọng rằng các hướng dẫn sẽ tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng”.
Bất chấp những ngôn ngữ tích cực trên bàn ngoại giao, giới quan sát tỏ ra không mấy hy vọng sẽ có tiến triển đột phá trong quá trình đàm phán COC.
“ASEAN thừa hiểu Trung Quốc không thật lòng, và Việt Nam cũng thừa hiểu Trung Quốc không thật lòng. Nhưng về mặt pháp lý, tương tác và sự kiên nhẫn, Việt Nam vẫn ủng hộ cái đàm phán này”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cấp cao khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói với VOA.
Theo ông, Trung Quốc vẫn luôn hứa như thế trong các cuộc gặp ngoại giao, nhưng trên thực tế thì những yêu sách của Trung Quốc trong dự thảo COC đã khiến quá trình đàm phán đã kéo dài hai thập niên tiếp tục bị đình trệ.
“Nói như thế thôi. ‘Sớm’ là bao lâu? Một năm, 2 năm, hay 5 năm? Không ai nói được, bởi vì Trung Quốc đưa ra ba điểm trong bản nháp COC, mà 3 điểm này thì không một bên nào trong khối ASEAN có thể chấp nhận được”, TS. Hà Hoàng Hợp nói với VOA.
Cụ thể, ba điểm mà Trung Quốc yêu cầu là không được để bên ngoài vào khai thác trong khu vực của ASEAN, các nước ASEAN phải tôn trọng và công nhận những khu vực mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ, và các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông không được tập trận với các nước bên ngoài khu vực mà không được sự đồng ý của tất cả các nước ASEAN và Trung Quốc. Theo TS. Hà Hoàng Hợp, chừng nào Trung Quốc vẫn còn giữ nguyên 3 yêu cầu “không thể chấp nhận” trên trong dự thảo COC, thì khi đó quá trình đàm phán khó có thể tiến tới.
Nhà quan sát của Việt Nam nói thêm rằng mặc dù trong những năm qua, đàm phán COC đã bị đình trệ nhưng lần nào các bên gặp nhau cũng “giả bộ” tuyên bố có tiến triển, “sẽ sớm thế này thế kia”… theo một ngôn ngữ ngoại giao mà ông nói là lúc nào cũng “tròn trịa” nhưng không giống với thực tế.
“Trong thực tế thì Trung Quốc từ tháng 12/2022 đến nay đã gây ra rất nhiều chuyện ở Biển Đông. Hiện nay, tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc vẫn đang đi trong vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra còn có những chuyện nghiêm trọng hơn như mọi người đã biết trước đây là những tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đi quá sát vào khu khai thác khí liên doanh giữa Việt Nam và Nga. Nó cho thấy Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh những hoạt động thuộc về chiến thuật vùng xám để gây sức ép đối với Việt Nam, và bây giờ lại dùng chiến thuật đó gây sức ép với cả các đối tác của Việt Nam ở ngoài vào như Nga, Nhật, Ấn Độ…”
Tranh chấp Biển Đông đã trở thành nguyên nhân gây xích mích ngày càng lớn giữa hai quốc gia láng giềng bất chấp hai nước có chung hệ tư tưởng và cấu trúc chính trị. Ngoài xung đột trên biển, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng đem tới những bất hoà giữa hai nước trong các lĩnh vực khác.
Việt Nam hồi đầu tháng này cấm chiếu bộ phim Barbie do Warner Bros sản xuất vì có bản đồ được lưỡi bò (yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông) trong phim dẫn tới phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng “các nước không nên gắn vấn đề Biển Đông với các hoạt động trao đổi văn hóa”.
Đầu tháng này, các nhà ngoại giao Trung Quốc và Việt Nam đã gặp nhau tại thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc trong vòng tham vấn mới nhất về phát triển chung hàng hải, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ kể từ năm 2020.
Theo thông cáo của phía Trung Quốc, hai bên nhất trí đẩy nhanh đàm phán về một thỏa thuận mới trong việc hợp tác khai thác cá ở Vịnh Bắc Bộ và thúc đẩy hợp tác dầu khí ở “vùng biển không tranh chấp” ở Biển Đông.
Tuy nhiên, SCMP dẫn nhận định của các nhà quan sát nói rằng có rất ít cơ hội hai bên sẽ thỏa hiệp trong hợp tác dầu khí và không có nhiều hy vọng giữa hai quốc gia láng giềng đã có tranh chấp lãnh thổ trong nhiều năm qua.