Các quốc gia và công ty thuộc Liên minh châu Âu không nên ký hợp đồng mới mua khí tự nhiên hóa lỏng của Nga, như một phần trong nỗ lực của khối nhằm chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow, người đứng đầu chính sách năng lượng của EU nói hôm thứ Năm 9/3.
Nga đã hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu vào năm ngoái sau khi nổ ra cuộc xâm lược Ukraine, gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng với nguồn cung hạn chế và giá cao kỷ lục. EU đã tuyên bố sẽ từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 và thay thế khoảng 2/3 khí đốt của Nga vào năm ngoái.
Nhưng trong khi Moscow cắt giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống, việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga tới châu Âu đã tăng lên vào năm ngoái, đạt 22 bcm (tỷ mét khối), tăng từ khoảng 16 bcm vào năm 2021, theo một phân tích của EU mà Reuters có được.
“Chúng ta có thể và cần phải loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga càng sớm càng tốt, trong khi vẫn đảm bảo an ninh nguồn cung của chúng ta”, ủy viên năng lượng EU Kadri Simson phát biểu tại một cuộc họp của các nhà lập pháp EU hôm 9/3.
“Tôi khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên và tất cả các công ty ngừng mua khí tự nhiên hóa lỏng của Nga và không ký bất kỳ hợp đồng khí đốt mới nào với Nga sau khi các hợp đồng hiện tại hết hạn”, bà Simson nói và cho biết thêm rằng điều này cũng có thể trấn an các nhà cung cấp khí đốt khác mà châu Âu đang cố gắng đàm phán giao dịch với họ.
Khối lượng khí tự nhiên hóa lỏng nêu trên thấp hơn nhiều so với 155 tỷ mét khối khí đốt mà Moscow đã chuyến đến châu Âu mỗi năm trước chiến tranh Ukraine. Châu Âu đã thay thế hầu hết khối lượng này bằng khí tự nhiên hóa lỏng từ các nhà cung cấp thay thế như Hoa Kỳ, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
Khi các nước EU bắt đầu chuẩn bị để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho mùa đông tới, bà Simson cho biết Ủy ban sẽ đề xuất các nước EU gia hạn mục tiêu tự nguyện cắt giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt trong mùa đông của họ cho đến mùa đông tới.
EU dường như đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu trong mùa đông này, sau khi đã cắt giảm 19,3% mức sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 1 so với những năm gần đây.
Trong khi châu Âu có vẻ sẽ tránh được tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng trong mùa đông này, thì an ninh năng lượng của châu lục này vẫn còn rất mong manh.
Nga vẫn đang chuyển một lượng khí đốt qua đường ống dẫn đến châu Âu qua Ukraine, đủ để đạt tổng sản lượng 20 bcm trong năm nay nếu dòng chảy hiện tại vẫn ổn định.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo rằng nếu Moscow cắt giảm các đợt giao hàng này, Trung Quốc sẽ mua thêm đến mùa đông tới từ các thị trường toàn cầu và mùa đông tới lại lạnh bất thường, châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu. Điều quan trọng là các chính phủ phải tiếp tục nỗ lực tiết kiệm năng lượng và tăng cường năng lượng tái tạo.