Một mức giá trần của nhóm G-7 đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12 giữa lúc phương Tây cố gắng hạn chế khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Moscow ở Ukraine, mặc dù Nga đã tuyên bố sẽ không tuân thủ biện pháp này ngay cả khi phải cắt giảm sản xuất, theo Reuters.
Các quốc gia G-7 và Australia hôm 2/12 đồng ý mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga sau khi các thành viên Liên minh châu Âu vượt qua sự phản đối từ Ba Lan, quốc gia vốn muốn giá dầu này thậm chí còn thấp hơn nữa. Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak gọi đây là sự can thiệp thô bạo trái với các quy tắc thương mại tự do và sẽ gây bất ổn hơn nữa cho thị trường.
“Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi trong các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải giảm sản lượng một chút”, ông Novak, quan chức chính phủ Nga phụ trách dầu mỏ, khí đốt, năng lượng nguyên tử và than đá, cho biết hôm 4/12.
Thỏa thuận này của G-7 cho phép dầu của Nga được vận chuyển đến các nước bên thứ ba bằng cách sử dụng tàu chở dầu G-7 và EU, các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng, chỉ khi dầu được mua ở mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn.
Các công ty trong ngành và một quan chức Hoa Kỳ cho biết vào tháng 10 rằng Nga có thể tiếp cận đủ tàu chở dầu để vận chuyển phần lớn dầu vượt quá giới hạn cho phép, nhấn mạnh các giới hạn của kế hoạch đầy tham vọng nhất nhằm hạn chế doanh thu thời chiến của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết mức 60 USD còn quá cao để ngăn Nga tiến hành chiến tranh ở Ukraine. “Qúy vị sẽ không gọi đó là một quyết định nghiêm túc khi đặt ra giới hạn như vậy đối với giá của Nga, điều này khá thoải mái đối với ngân sách của một quốc gia khủng bố”.
Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga và gửi hàng tỷ đôla viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược vào ngày 24/2.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vấp phải sự chỉ trích từ Ukraine và các đồng minh vùng Baltic vào cuối tuần vì gợi ý phương Tây nên xem xét nhu cầu đảm bảo an ninh của Nga nếu nước này đồng ý đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
Ông Mykhailo Podolyak, phụ tá của ông Zelenskiy, cho biết thế giới cần sự đảm bảo an ninh từ Nga chứ không phải ngược lại.
Trong một dấu hiệu nữa cho thấy phương Tây không hài lòng về một cuộc đối đầu đã tạo ra các cuộc khủng hoảng năng lượng và người tị nạn ở châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 5/12 cảnh báo chống lại việc tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới bằng cách chia thế giới thành các khối.
Diễn đàn