Công ty khổng lồ về streaming của Mỹ, Netflix, đang chuẩn bị mở văn phòng tại Việt Nam sau “nhiều năm đàm phán” với chính quyền và hoàn tất việc “đánh giá rủi ro” tại thị trường này, Reuters dẫn hai nguồn tin am tường cho biết hôm 24/2.
Với việc mở văn phòng tại Việt Nam, Netflix trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên của Mỹ hiện diện trực tiếp tại quốc gia Đông Nam Á có 100 triệu dân và đang được đánh giá là “thị trường béo bở” khó có thể bỏ qua, bất chấp những lo ngại về những quy định internet nghiêm ngặt, theo nhận định của hãng thông tấn Anh.
Netflix từ chối bình luận với Reuters về những kế hoạch và hoạt động hiện tại của họ tại Việt Nam. Nhưng các nguồn tin cho biết công ty đang trong giai đoạn đầu lập kế hoạch thành lập một văn phòng địa phương tại Việt Nam sau khi hoàn tất việc “đánh giá rủi ro” về an ninh và chính trị cũng như việc xử lý dữ liệu người dùng và những nội dung bị cho là “nhạy cảm” vào cuối năm ngoái.
Một trong những nguồn tin cho biết văn phòng của Netflix có thể mở cửa sớm nhất là vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, quy trình về pháp lý kéo dài có thể đòi hỏi phải mất nhiều thời gian hơn.
Việt Nam gần đây công bố một nghị định mới, có hiệu lực từ tháng 1, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ video theo nhu cầu phải xin phép chính phủ Việt Nam để hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập văn phòng địa phương, mặc dù chi tiết về việc thực hiện vẫn chưa rõ ràng.
Giới giám đốc điều hành nước ngoài quen thuộc với các hoạt động tại Việt Nam nói với Reuters rằng Việt Nam cho thấy sự “phức tạp” đối với các công ty công nghệ, một phần do tình trạng không rõ ràng về các yêu cầu cụ thể và cơ chế thực thi đối với các quy định được cho là nghiêm ngặt của họ.
Mặc dù luật an ninh mạng năm 2018 của Việt Nam yêu cầu tất cả doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập từ hoạt động trực tuyến tại Việt Nam phải mở văn phòng tại địa phương, cho đến nay chỉ có chủ sở hữu của TikTok là công ty ByteDance tuân thủ quy định này, dù trên thực tế, nhiều nhà cung cấp mạng xã hội khác coi Việt Nam là một trong 10 thị trường toàn cầu hàng đầu của họ.
Tuy nhiên, theo Reuters, do các quan chức Việt Nam ngày càng tin vào sức mạnh tiêu dùng đang gia tăng tại Việt Nam, họ càng tăng áp lực buộc các công ty công nghệ phải tuân thủ quy định.
Việt Nam từng đe dọa đóng cửa Facebook vào năm 2020 vì những nội dung về chính trị trên nền tảng này. Vào năm 2022, Hà Nội tiếp tục đưa ra quy định mới yêu cầu các công ty công nghệ phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương và các công ty truyền thông xã hội phải xóa những nội dung mà chính quyền cho là “vi phạm” trong vòng 24 giờ.
Cuộc họp của Netflix với chính phủ Việt Nam
Trong một cuộc họp vào tháng 12 năm ngoái của Phó chủ tịch chiến lược kinh doanh châu Á của Netflix với lãnh đạo Việt Nam, đại diện công ty của Mỹ nói với các quan chức cấp cao của chính phủ Việt Nam rằng họ đang nghiên cứu khả năng mở văn phòng đại diện tại địa phương, theo một tuyên bố được đăng trên trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Chánh văn phòng của Bộ, ông Nguyễn Văn Đoàn, đã “bày tỏ mong muốn Netflix sớm thành lập pháp nhân tại Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, thông cáo cho biết thêm.
Theo nhận định của Reuters, với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện được xem là một trong những thị trường trọng điểm trong khu vực đối với các tập đoàn khổng lồ về công nghệ.
Một báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Company ước tính vào năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, bao gồm công nghệ tài chính, thương mại điện tử và giải trí trực tuyến đang trên đà phát triển lên tới gần 50 tỷ USD trong tổng số giao dịch mỗi năm, cao hơn gấp đôi so với năm ngoái.
Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam vẫn duy trì việc kiểm duyệt chặt chẽ truyền thông và không dung chấp bất đồng chính kiến, với những quy định nghiêm ngặt đối với những nội dung trực tuyến và chính phủ đang ngày càng giám sát chặt chẽ những công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này.
Tháng trước, Việt Nam đã thu được 1,8 nghìn tỷ đồng (khoảng 78 triệu USD) tiền thuế từ Google, Meta, Netflix và TikTok cho năm 2022.
Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua yêu cầu các đại gia công nghệ, bao gồm cả Netflix, đang hoạt động tại Việt Nam nhưng không có văn phòng địa phương, phải nộp thuế.
Các công ty thì nói rằng Việt Nam không có một cơ chế phù hợp cho việc nộp thuế, mặc dù chuyện này đã được giải quyết vào năm ngoái khi Việt Nam tạo một cổng thông tin trực tuyến cho mục đích này.
Các công ty truyền thông xã hội hoạt động tại Việt Nam đã phải đối mặt với áp lực đặc biệt về nội dung, bao gồm các quy định đang chờ xử lý về việc đăng nội dung liên quan đến tin tức trên các tài khoản truyền thông xã hội.
Netflix thỉnh thoảng cũng trở thành mục tiêu của các lệnh công khai của chính phủ nhằm chặn quyền truy cập trong nước đối với những nội dung bị đánh giá là “xúc phạm nhân dân Việt Nam”. Đơn cử vào năm ngoái, bộ phim Hollywood “Uncharted” (“Thợ săn cổ vật”) đề cập đến yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông và bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Little Women” (“Ba chị em”) có các cảnh về Chiến tranh Việt Nam đã bị cấm chiếu vì “xuyên tạc lịch sử”.
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về thông tin liên quan đến Netflix.
Công ty của Mỹ hiện là dịch vụ giải trí phát trực tuyến hàng đầu thế giới về phim ảnh và trò chơi trên điện thoại di động. Tại Việt Nam, Netflix bắt đầu xuất hiện vào năm 2016 và chính thức có phiên bản tiếng Việt kể từ tháng 10/2019.
Vào ngày 5/1/2022, Netflix ký Biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) cho việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp điện ảnh và kinh tế sáng tạo tại Việt Nam cũng như quảng bá phim ảnh, văn hóa Việt Nam ra toàn cầu trên nền tảng này.