Đường dẫn truy cập

Freedom House: Việt Nam vẫn không có tự do Internet trong năm 2022


Báo cáo của Freedom House về Tự do Internet ở Việt Nam năm 2022.
Báo cáo của Freedom House về Tự do Internet ở Việt Nam năm 2022.

Tổ chức Freedom House có trụ sở ở Hoa Kỳ vừa ra báo cáo “Tự do Internet 2022”, trong đó xếp hạng Việt Nam là một trong năm quốc gia kém tự do Internet nhất trên thế giới.

Báo cáo công bố hôm 18/10 lần nữa cho biết Việt Nam không có tự do Internet, chỉ đạt 22 điểm trên thang điểm 100, trong đó 12 điểm cho danh mục “trở ngại để truy cập”, 6 điểm cho “giới hạn nội dung” và 4 điểm cho “vi phạm quyền của người dùng”.

Năm nay Việt Nam chỉ xếp trên Cuba (20 điểm), Iran (16), Myanmar (12) và Trung Quốc (10) về tự do Internet. Theo Freedoom House, đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam bị điểm 22/100, và là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam không có tự do Internet.

Bảng xếp hạng Tự do Internet 2022 này dựa vào các tiêu chí như hành vi ngăn chặn các trang web, sự tác nghiệp của dư luận viên ủng hộ chính phủ, ban hành chính sách mới để kiểm duyệt, bắt bớ và giam cầm người dùng, sử dụng bạo lực đối với người dùng, và các biện pháp tấn công kỹ thuật, để đánh giá về tình hình tự do Internet ở Việt Nam.

Các chỉ tiêu đánh giá về tự do Internet ở Việt Nam của Freedom House.
Các chỉ tiêu đánh giá về tự do Internet ở Việt Nam của Freedom House.

Báo cáo cho biết quyền tự do Internet vẫn bị hạn chế ở Việt Nam do chính phủ thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến của đất nước.

Báo cáo ghi nhận rằng mặc dù chính quyền Việt Nam không làm gián đoạn kết nối hoặc ngăn chặn các máy chủ của Facebook như đã làm trước đây, nhưng nhà nước vẫn tiếp tục yêu cầu các công ty xóa, gỡ nội dung các bài đăng và tuyên các bản án hình sự hà khắc đối với những người phản biện trên mạng xã hội.

Báo cáo ghi nhận các sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2022 với các điểm đáng lưu ý tại Việt Nam, trong đó có việc các quan chức chính phủ đã ra lệnh cho các công ty truyền thông xã hội quốc tế gỡ bỏ hàng nghìn nội dung, đặc biệt nhắm vào những lời chỉ trích quan chức nhà nước; chính quyền áp dụng các bản án tù đối với những người bảo vệ nhân quyền và những người sử dụng internet vì các hoạt động trực tuyến của họ, bao gồm cả bản án 10 năm tù dành cho nhà hoạt động Trịnh Bá Phương.

VOA cố gắng liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ phản hồi về báo cáo này của Freedoom House, nhưng chưa được họ trả lời.

Báo cáo Tự do Internet là nghiên cứu hàng năm của Freedom House về quyền con người trong lĩnh vực kỹ thuật số. Khảo sát đánh giá quyền tự do Internet ở 70 quốc gia, chiếm 89% người dùng Internet trên thế giới.

Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước kém tự do Internet nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của Freedom House 2022.
Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước kém tự do Internet nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của Freedom House 2022.

Vào tháng 6, sau khi Freedom House ra báo cáo về “Bảo vệ nền dân chủ khi sống lưu vong”, báo Công an Nhân dân (CAND) của Bộ Công an Việt Nam cho rằng nội dung của báo cáo có nhiều thông tin “bịa đặt, sai trái về tình hình thực tế tại Việt Nam”, “vu cáo” về tình hình tự do, dân chủ ở nước này.

Trong báo cáo ngày 2/6, Freedoom House cho rằng Việt Nam là một trong số các quốc gia “thực hiện đàn áp xuyên quốc gia nhằm bịt miệng người đấu tranh ngay cả khi họ rời quê hương”; “tiến hành tấn công mạng vào các tổ chức hỗ trợ người Việt tị nạn và thúc đẩy nhân quyền”; “quấy rối, cấm xuất cảnh hoặc tịch thu hộ chiếu đối với các “nhà dân chủ” chỉ vì họ báo cáo vi phạm nhân quyền của chính phủ lên các cơ chế nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Vào tháng 3, Freedom House đánh giá mức độ tự do của Việt Nam ở mốc 19/100 điểm, trong đó 3/40 điểm về các quyền tự do chính trị và 16/60 điểm cho các quyền tự do dân sự, là quốc gia có điểm số áp chót khu vực Đông Nam Á.

Vào tháng 9 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định báo cáo của Freedom House xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia không có tự do trên mạng internet 2021 “là vô giá trị”.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời bà Hằng khi ấy nói: “Thực tế những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc qua các chu kỳ”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG