Truyền thông nhà nước ở Trung Quốc giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của tình trạng gia tăng các ca nhiễm COVID-19 trước cuộc họp dự kiến vào thứ Ba 3/1 của các nhà khoa học với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nơi đang hy vọng sẽ “thảo luận chi tiết” về sự tiến hóa của virus.
Việc Trung Quốc đột ngột quay ngoắt các biện pháp kiểm soát COVID vào ngày 7/12, cũng như tính chính xác của dữ liệu về các ca nhiễm và tỷ lệ tử vong, đã bị mổ xẻ ngày càng nhiều ở cả trong và ngoài nước.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các hạn chế nhập cảnh du lịch do một số quốc gia áp đặt đối với người Trung Quốc “đơn thuần là vô lý”, và nói rằng chúng “thiếu cơ sở khoa học”.
“Chúng tôi sẵn sàng cải thiện việc trao đổi thông tin với thế giới”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh nói với các phóng viên ở Bắc Kinh.
“Nhưng chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực thao túng các biện pháp phòng chống dịch bệnh vì mục đích chính trị và sẽ thực hiện các biện pháp tương ứng trong các tình huống khác nhau theo nguyên tắc có đi có lại”.
Việc Trung Quốc chuyển hướng khỏi chính sách “không COVID” từng được Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ sau các cuộc biểu tình đánh dấu sự phản đối mạnh mẽ nhất của công chúng trong thập niên ông nắm quyền, và diễn ra đồng thời vào giai đoạn nền kinh tế Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong gần nửa thế kỷ.
Giữa lúc virus lây lan không được kiểm soát, các nhà tang lễ báo cáo nhu cầu sử dụng dịch vụ của họ tăng đột biến và các chuyên gia y tế quốc tế dự đoán có ít nhất một triệu ca tử vong ở Trung Quốc trong năm nay.
Trung Quốc báo cáo chỉ có 3 ca tử vong mới do COVID vào ngày 2/1, nâng số người chết chính thức kể từ khi đại dịch bắt đầu lên 5.253 người.
Hôm 3/1, tờ Nhân dân Nhật báo chính thức của Đảng Cộng sản dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc nói bệnh do virus gây ra tương đối nhẹ đối với hầu hết mọi người.
Tong Zhaohui, Phó giám đốc Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, nói với tờ báo: “Các ca bệnh nặng và nguy kịch chiếm từ 3% đến 4% số bệnh nhân bị nhiễm bệnh hiện đang được điều trị tại các bệnh viện được chỉ định ở Bắc Kinh”.
Kang Yan, Giám đốc Bệnh viện Tianfu Tây Trung Quốc, thuộc Đại học Tứ Xuyên, nói trong ba tuần qua, tổng cộng 46 bệnh nhân đã được đưa vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt, tương đương khoảng 1% ca nhiễm có triệu chứng.
Một nhân chứng của Reuters cho biết khu vực cấp cứu tại Bệnh viện Trung Sơn ở Thượng Hải chật kín bệnh nhân vào ngày 3/1.
Một số người nằm trên giường ở hành lang được điều trị trong khi hàng chục người đang xếp hàng xung quanh họ, chờ gặp bác sĩ. Không rõ có bao nhiêu người ở đó nhiễm COVID.
Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi các quan chức y tế Trung Quốc thường xuyên chia sẻ thông tin cụ thể và theo thời gian thực về đợt bùng phát.
WHO đã mời các nhà khoa học Trung Quốc trình bày dữ liệu chi tiết về trình tự gien của virus tại cuộc họp của nhóm cố vấn kỹ thuật hôm 3/1. Tổ chức này cũng đã yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về số ca nhập viện, tử vong và tiêm chủng.
Trước cuộc họp dự kiến diễn ra vào chiều 3/1 theo giờ Geneva, người phát ngôn của WHO nói rằng một “cuộc thảo luận chi tiết” dự kiến diễn ra về các biến thể lưu hành ở Trung Quốc và trên toàn cầu, với các nhà khoa học Trung Quốc dự kiến sẽ trình bày.
Nhưng một số chuyên gia nghi ngờ về sự thành thật của Trung Quốc.
Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói: “Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ thành thật tiết lộ thông tin”.
“Họ thà giữ nó cho riêng mình hoặc họ sẽ nói không có gì xảy ra, không có gì mới. Cảm giác của riêng tôi là chúng ta có thể cho rằng không có gì mới ... nhưng vấn đề là sự minh bạch của Trung Quốc luôn là vấn đề”.
Hoa Kỳ, Pháp và các quốc gia khác yêu cầu xét nghiệm COVID đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc, trong khi Bỉ cho biết họ sẽ xét nghiệm nước thải từ máy bay để tìm các biến thể mới.
Các quan chức y tế của Liên minh châu Âu sẽ họp vào ngày 4/1 về một phản ứng phối hợp.
Trung Quốc sẽ ngừng yêu cầu người nhập cảnh nước phải cách ly kể từ ngày 8/1, nhưng vẫn yêu cầu xét nghiệm trước khi khởi hành.