Trong động thái mới nhất liên quan đến vụ án “chuyến bay giải cứu”, Bộ Công an Việt Nam hôm 22/12 cho biết Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng và cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam vừa bị bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm liên quan đến vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Ông Chử Xuân Dũng, 49 tuổi, quê ở Đông Anh, Hà Nội. Ông Dũng từng giữ các chức vụ giám đốc, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trước khi làm phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội từ năm 2020.
Trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, ông Chữ Xuân Dũng làm Phó trưởng ban rồi sau đó làm Trưởng ban Ban chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở thành phố Hà Nội.
Ông Vũ Hồng Nam, 59 tuổi, quê ở Hải Dương, từng làm chuyên viên tại các Văn phòng Bộ Ngoại giao và Chính phủ, Tổng lãnh sự tại Sidney, Australia, trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ toàn quyền của Việt Nam tại Nhật Bản từ năm 2018.
Ngoài hai quan chức bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” trên, thông báo của Bộ Công an hôm 22/12 cho biết còn có bà Phạm Bích Hằng, 53 tuổi, Giám đốc Công ty Cổ phần Vina Mi Chi bị bắt tạm giam và khởi tố để điều tra về tội “Đưa hối lộ”.
Trước đó một ngày, hôm 21/12, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương ra thông cáo báo chí cho biết đã đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và ông Vũ Hồng Nam.
Thông cáo nói Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong đại dịch COVID-19”.
“Một số cán bộ, đảng viên của Bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, tiêu cực, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam”, từ đó “gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội; làm sai lệch chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giảm uy tín của tổ chức đảng và Ngành Ngoại giao”, thông cáo nói.
Nhiều cán bộ, bao gồm ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; Nguyễn Lê Ngọc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, bị UBKT Trung ương khai trừ khỏi Đảng.
Ngoài ra, Uỷ ban này cũng cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia; cảnh cáo ông Nguyễn Hoàng Linh, Nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; khiển trách các ông: Phạm Sanh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Vũ Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản; Phạm Như Ý, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Trong thời gian đại dịch bùng phát, các chuyến bay được gọi là “giải cứu công dân” này đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt với sự tham gia của 5 bộ, bao gồm: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, để đáp ứng nhu cầu của nhiều người Việt Nam ở nước ngoài muốn trở về nước.
Sau 11 tháng vụ án được điều tra, đến nay đã có hơn 30 người bị khởi tố, bắt tạm giam, đa số là lãnh đạo, cán bộ thuộc các bộ, ngành và văn phòng chính phủ. Trong đó, Bộ Ngoại giao có số cán bộ bị bắt giam nhiều nhất tính cho đến nay, và người có chức vụ cao nhất của bộ này bị bắt là ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Theo lời người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, trong một cuộc họp báo vào tháng 6, lợi nhuận thu được sau mỗi chuyến bay “giải cứu” lên đến vài tỉ đồng sau khi trừ đi các chi phí, và kết quả điều tra ban đầu cho thấy các bị can đã nhận hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn đô la.