Cơ quan Hình sự Quốc gia của Slovakia (NAKA) vừa mở lại thủ tục tố tụng hình sự vì những nghi ngờ tham nhũng trong vụ một số người của nước này dính líu vào vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam vào năm 2017, truyền thông Slovakia dẫn lời cảnh sát trưởng Stefan Hamran cho biết hôm thứ Tư 1/12.
Ông Hamran lưu ý rằng cảnh sát Slovakia “đã biết đầy đủ về vụ việc” và cá nhân ông rất lo ngại về chuyện này.
“Các thủ tục tố tụng được đưa ra đang ở giai đoạn đầu mà tôi không thể bình luận công khai vào lúc này”, cơ quan báo chí TARS dẫn lời ông Hamran nói.
Cảnh sát trưởng Slovakia cho biết thêm rằng vụ việc cho đến nay vẫn chưa được cảnh sát nước này xử lý, mà chỉ mới do Thanh tra Bộ Nội vụ dưới sự giám sát của văn phòng công tố khu vực giải quyết.
Cựu chính trị gia Việt Nam và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Trịnh Xuân Thanh, được cho là đã bị bắt cóc từ Berlin về Việt Nam vào tháng 7/2017 khi đang trong thời gian xin tị nạn ở Đức, và ông được chính quyền Đức bảo vệ chính thức.
Phía Đức nói ông Thanh đã bị bắt cóc ở Berlin trước khi được chuyển đến Slovakia và sau đó đến Moscow trên một chiếc máy bay của chính phủ Slovakia.
Đã có những nghi ngờ cho rằng giới lãnh đạo Slovakia, bao gồm cả phó thủ tướng kiêm bộ trưởng nội vụ lúc bấy giờ là ông Robert Kalinak đã biết về vụ bắt cóc và chấp thuận cho sử dụng máy bay của chính phủ.
Máy bay chở ông Thanh cũng đã bay qua Ba Lan. Khi Bộ Nội vụ Slovakia xin phép sử dụng không phận Ba Lan, họ nói rằng đó là chuyến công du cấp nhà nước của bộ trưởng mặc dù bộ trưởng không có mặt trên máy bay.
Đức sau đó đã điều tra khả năng Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế trong vụ này. Đồng thời, họ xem xét khả năng vụ bắt cóc được thực hiện bằng cách sử dụng sai mục đích máy bay của chính phủ Slovakia.
Vụ việc đã làm tổn hại đáng kể quan hệ Việt-Đức. Bản án đầu tiên trong phiên tòa được thực hiện vào năm 2019 khi một trong những kẻ bắt cóc nhận 3 năm 3 tháng tù giam. Tòa án Đức tuyên bố rõ ràng rằng đây là một vụ bắt cóc.
Phía Việt Nam từ đầu đến nay bác bỏ cáo buộc bắc cóc, mà luôn khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh “tự đầu thú”.
Ông Trịnh Xuân Thanh sau đó bị kết án tổng hợp tù chung thân vào năm 2018 với các tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.
Động thái mới của Slovakia diễn ra sau khi một phiên tòa ở Đức vào tuần trước bắt đầu xét xử kẻ bắt cóc thứ hai sau khi người này bị bắt khi trở về châu Âu sau 5 năm ở Việt Nam.
“Để bí mật đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khối Schengen, bọn bắt cóc đã tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng tại Bratislava, chúng muốn lợi dụng để đưa kẻ bắt cóc vào phái đoàn Việt Nam nhằm tránh sự kiểm tra gắt gao tại sân bay”, các công tố viên Đức nói và cho rằng kế hoạch bắt cóc đã được vạch ra trong cuộc họp của các bộ trưởng Slovakia và Việt Nam.
Phái đoàn Việt Nam, trong đó có Bộ trưởng Công an Tô Lâm, sau đó đến Moscow trên chiếc máy bay mà chính phủ Slovakia cho mượn. Từ đó, họ quay trở lại Việt Nam.