Cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh vừa nhận thêm các bản án nhiều năm tù sau khi một toà án ở Hà Nội kết tội hai người này có vai trò trong việc "gây ra thất thoát" hàng trăm tỷ đồng tại Dự án Ethanol Phú Thọ.
Sau hơn một tuần xét xử, Toà án Nhân dân TP Hà Nội hôm 15/3 tuyên phạt ông Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị đầu tiên bị xét xử ở Việt Nam, 11 năm tù và ông Thanh, cựu chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từng được cho là bị công an Việt Nam bắt cóc đưa về từ Berlin, 18 năm tù.
Theo cáo trạng được truyền thông trong nước trích dẫn, cả ông Thăng và ông Thanh đều bị kết án về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng ông Thanh, từng là phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang trước khi bị điều tra vì tham nhũng và bỏ trốn khỏi Việt Nam năm 2016, còn bị kết tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Ông Thăng và ông Thanh cũng đều đã nhận các bản án tù trước đây trong các vụ xét xử gây nhiều chú ý của công luận trong nước, được cho là nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mà truyền thông trong nước gọi là “Đốt lò.”
Tính từ vụ xét xử đầu tiên vào tháng 12/2017, ông Thăng, cựu Bí thư thành uỷ TP Hồ Chí Minh, bị tuyên tổng cộng 52 năm tù sau 4 lần bị kết án. Tuy nhiên theo luật của Việt Nam, tổng mức án tù thời hạn không quá 30 năm cho nên số năm ông Thăng phải ngồi tù không vượt quá con số này.
Cùng bị xét xử trong các vụ án tham nhũng trước đó với ông Thăng, ông Thanh đã nhận án tù chung thân. Tổng hợp với hai bản án trước, ông Thanh, người mà chính phủ Đức cáo buộc bị đặc vụ của Bộ Công an bắt cóc về Việt Nam để xét xử hồi tháng 7/2017, sẽ phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân.
Cáo trạng của hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội được Thanh Niên và VTC trích dẫn hôm 15/3 cho biết, ông Thăng, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), là người chịu trách nhiệm chính trong vụ Nhà máy Ethanol Phú Thọ “đắp chiếu” từ năm 2018 đến nay. Theo đó, việc này gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 543 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Thanh Niên tại các phiên xét xử vào tuần trước, ông Thăng không thừa nhận tội danh bị cáo buộc là “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 224 Bộ luật Hình sự. Ông phủ nhận toàn bộ cáo trạng của Viện kiểm sát.
Ông Thanh, người duy nhất bị truy tố hai tội danh trong số 12 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ Ethanol Phú Thọ, cũng đã phản bác cáo buộc của hội đồng xét xử khi cho rằng ông làm mọi việc thông qua hội đồng quản trị, do ông Thăng là người đứng đầu, và mấu chốt là do “thiếu tiền” cho dự án, theo VnExpress.
Cáo trạng xác định rằng ông Thăng đã giao thầu cho PVC làm dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ dù biết rằng công ty mà ông Thanh lúc đó đang lãnh đạo không có kinh nghiệm và tình hình tài chính đang khó khăn. Do đó, theo cáo trạng, hành vi làm trái của ông Thăng, Thanh và các bị can khác dẫn đến thiệt hại 543 tỷ đồng và làm dự án đình trệ nhiều năm.
Đây là vụ xét xử mới nhất trong chuỗi các vụ án tham nhũng được đưa ra trước vành móng ngựa trong vài năm qua dưới sự chỉ đạo của ông Trọng, trong đó nhiều quan chức cấp cao của ngành dầu khí, ngân hàng và cả công an đã bị truy tố và kết án tù.