Di sản của cựu Thủ tướng Shinzo Abe

Ông Abe lần đầu tiên nhậm chức vào năm 2006 là thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến Thứ hai.

Ông Shinzo Abe, thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản, người đã tìm cách đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát kinh niên bằng các chính sách “Abenomics” (kinh tế Abe) táo bạo của mình, củng cố quân đội và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, vừa qua đời ở tuổi 67.

Ông Abe, người rời nhiệm sở vào năm 2020, bị bắn chết ngày 8/7 trong lúc diễn thuyết vận động bầu cử, một cuộc tấn công mà Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida gọi là “hoàn toàn không thể tha thứ”.

Từng là một nghị sĩ, ông Abe lần đầu tiên trở thành thủ tướng vào năm 2006, kéo dài một năm, và sau đó trở lại với nhiệm kỳ thứ hai hiếm thấy vào năm 2012. Ông cam kết phục hồi nền kinh tế trì trệ, nới lỏng các quy định của hiến pháp chủ hòa thời hậu Thế chiến Thứ hai và khôi phục các giá trị truyền thống.

Ông có công giành được quyền tổ chức Thế vận hội 2020 cho Tokyo. Ông ôm ấp ước muốn được chủ trì Thế vận hội và thậm chí đã xuất hiện trong bộ cánh nhân vật Mario của trò chơi điện tử Nintendo tại lễ bàn giao Olympic ở Rio, Brazil, nước tổ chức Olympic năm 2016.

Ông Abe trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản vào tháng 11 năm 2019, nhưng vào mùa hè năm 2020, sự ủng hộ dành cho ông bị giảm sút do việc ông xử lý COVID cũng như một loạt các vụ scandal bao gồm vụ bắt giữ cựu bộ trưởng tư pháp của ông.

Ông từ chức vào tháng 9 năm đó mà không đạt được mục tiêu lâu dài của mình là sửa đổi hiến pháp hoặc chủ trì Thế vận hội, vốn đã bị hoãn đến năm 2021 do đại dịch.

Nhưng ông vẫn duy trì sự hiện diện thống trị đối với Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, kiểm soát một trong những phe phái chính. Ông đang vận động cho một cuộc bầu cử ở Thượng viện thì bị ám sát.

Chính sách kinh tế Abe

Ông Abe lần đầu tiên nhậm chức vào năm 2006 là thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến Thứ hai. Sau một năm đầy những vụ bê bối chính trị, sự phẫn nộ của cử tri trước hồ sơ lương hưu bị mất và cuộc bầu cử đang diễn ra căng thẳng cho đảng cầm quyền của mình, ông Abe đã từ chức với lý do sức khỏe kém.

“Điều khiến tôi lo lắng nhất bây giờ là vì tôi từ chức, những lý tưởng bảo thủ mà chính quyền Abe đề cao sẽ phai nhạt”, ông Abe sau đó viết trên tạp chí Bungei Shunju.

“Kể từ bây giờ, tôi muốn cống hiến với tư cách là một nhà lập pháp để làm cho chủ nghĩa bảo thủ thực sự bắt rễ ở Nhật Bản.”

Năm năm sau khi từ chức, mà ông nói là do căn bệnh loét đại tràng, ông lãnh đạo đảng LDP bảo thủ - mất quyền vào năm 2009 - trở lại nắm quyền.

Sau đó, ông đưa ra chiến lược “Abenomics” ba mũi nhọn nhằm đánh bại giảm phát dai dẳng và phục hồi tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tiền tệ và chi tiêu tài khóa siêu dễ dàng, cùng với cải cách cơ cấu để đối phó với tình trạng dân số đang ngày càng già đi nhanh chóng.

Tuy nhiên, tình trạng giảm phát vẫn kéo dài và chiến lược tăng trưởng của ông đã bị ảnh hưởng vào năm 2019 từ việc tăng thuế doanh thu và chiến tranh thương mại Trung-Mỹ. Đại dịch COVID vào năm tiếp theo đã gây ra cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc nhất từ trước đến nay của Nhật Bản.

Khi đại dịch bùng phát, ông Abe mãi một thời gian sau mới đóng cửa biên giới và thực hiện tình trạng khẩn cấp kêu gọi mọi người ở nhà và đóng cửa hàng quán. Ban đầu, các nhà phê bình cho rằng đáp ứng của ông là vụng về và sau đó quy kết ông Abe là thiếu khả năng lãnh đạo.

Khi ông từ chức với lý do căn bệnh đường ruột, tỷ lệ tử vong do COVID của Nhật Bản thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia phát triển khác.

Đế chế

Ông Abe xuất thân từ một gia đình chính trị giàu có, thân phụ là ngoại trưởng và có một người ông chú từng là thủ tướng. Ông của ông, cố Thủ tướng Nobusuke Kishi, được xem là người có nhiều chính sách nhất.

Ông Kishi là một bộ trưởng nội các thời chiến bị bỏ tù nhưng chưa bao giờ bị xét xử như một tội phạm chiến tranh sau Thế chiến Thứ hai. Ông giữ chức thủ tướng từ năm 1957 đến năm 1960, từ chức do dư luận phẫn nộ về hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật được đàm phán lại.

Khi đó ông Abe mới 5 tuổi, ông nghe thấy âm thanh của các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và đám đông cánh tả phản đối hiệp ước bên ngoài quốc hội lúc đang ngồi chơi trên đùi của ông mình.

Ông Kishi không sửa đổi được hiến pháp năm 1947 do Hoa Kỳ soạn thảo để trở thành một đối tác an ninh bình đẳng với Hoa Kỳ và áp dụng một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn - những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông Abe.

Ông Abe tăng cường chi tiêu quốc phòng và tiếp cận với các quốc gia châu Á khác để chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Ông thúc đẩy thông qua luật để Nhật Bản thực hiện quyền “tự vệ tập thể”, hoặc hỗ trợ quân sự cho một đồng minh đang bị tấn công.

Sửa đổi hiến pháp chủ hoà vẫn là ưu tiên hàng đầu của Abe, một mục tiêu gây tranh cãi vì nhiều người Nhật xem thành tích hoà bình của Nhật thời hậu chiến là nhờ bản hiến pháp này.

Chương trình nghị sự cơ bản của Abe là thoát khỏi cái mà ông gọi là chế độ hậu chiến, một di sản của sự chiếm đóng của Hoa Kỳ mà những người bảo thủ cho rằng đã tước đi niềm tự hào dân tộc của Nhật Bản. Cải cách hệ thống giáo dục để khôi phục lại truyền thống là một trong những mục tiêu khác của ông.

Ông cũng có lập trường bớt cảm thấy hối lỗi đối với các hành động trong Thế chiến thứ hai của Nhật Bản, nói rằng các thế hệ tương lai không nên tiếp tục xin lỗi về những sai lầm trong quá khứ.

Lập trường cứng rắn

Lần đầu tiên được bầu vào quốc hội vào năm 1993 sau cái chết của cha mình, ông Abe đã trở nên nổi tiếng trên toàn quốc bằng cách áp dụng lập trường cứng rắn đối với nước láng giềng khó đoán Triều Tiên trong mối thù về việc các công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc nhiều thập kỷ trước.

Mặc dù ông Abe cũng tìm cách cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc, nơi những ký ức thời chiến cay đắng còn hằn sâu, ông đã làm cả hai nước láng giềng tức giận vào năm 2013 khi đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo, được Bắc Kinh và Seoul coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ của Nhật Bản.

Trong những năm sau đó, ông đã hạn chế đến thăm trực tiếp và thay vào đó gửi các lễ vật theo nghi thức.

Ở bên kia Thái Bình Dương, ông Abe đã củng cố mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump, chơi gôn và thường xuyên điện đàm, gặp mặt.

Ông đã được bầu lại làm chủ tịch LDP trong nhiệm kỳ ba năm lần thứ ba liên tiếp vào năm 2018 sau khi thay đổi quy tắc của đảng và, trước khi đại dịch COVID xảy ra, một số người trong LDP đã xem xét một thay đổi quy tắc khác để cho phép ông một nhiệm kỳ thứ tư.