Tết về rẻo cao
Your browser doesn’t support HTML5
Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa.
Tết, nếu như dưới đồng bằng, ngoài thành phố hay thôn quê rộn ràng, háo hức bao nhiêu thì Tết nơi rẻo cao, nơi người già hiếm có ai biết cái bánh mì thịt là gì và trẻ con chẳng thể hiểu nổi miếng chocolate là gì, Tết vẫn có nỗi rộn ràng riêng. Một nỗi vui rộn ràng của Tết nghèo, Tết thật thà, Tết ấm áp bên bếp lửa có thêm mùi bánh, mùi thịt xông khói và có cả những ước mơ về một năm mới đủ cơm để ăn, đủ áo để mặc, được tiếp tục đi học và vụ mùa ấm no, trời cao, đại ngàn luôn bình yên, dung chứa con người.
Bà Blong Thị Năng, người dân tộc Cơ Tu, sống trên núi cao dãy Trường Sơn, chia sẻ với VOA: “Không có chi ăn Tết thì mình đi nợ gạo mình ăn, họ còn cho mình nợ kẹo nữa, chứ có chi mà ăn. Mình đến nhà khác mình ăn, mình không có kẹo, có bánh, mình đến nhà bà con khác mình ăn.”
Anh A Lăng Nhong, người Cơ Tu, thôn Éo, xã ba, Đông Giang, Quảng Nam chia sẻ với VOA: “Cũng ăn Tết bình thường, nhờ họ cho đồ dưới xuôi lên, cũng có đồ sử dụng trong ba ngày Tết. Còn họ nghèo thì cũng bình thường, lạc quan đón Tết thôi.”
Ông Đinh Văn Hữu, người Cơ Tu, thôn Éo, xã ba, Đông Giang, Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Bữa nay đang đi lột keo (lá tràm), rồi làm các thứ để kiếm tiền mua bánh, kẹo, sắm các thứ.”
Đã 23 tháng Chạp, đây là ngày đưa ông Táo về trời và cúng tất niên theo thông lệ của người Cơ Tu. Nhưng chỉ có vài gia đình có đủ điều kiện để cúng tất niên, bày cổ. Những gia đình khác ở thôn Éo dường như vẫn chưa có gì là Tết, hầu hết đàn ông vẫn đi làm rừng để kiếm tiền mua sắm Tết. Cái lạnh có giảm đôi chút khiến cho nhiều gia đình nghèo vui mừng bởi nỗi lo áo ấm cho con trẻ.
Anh A Lăng Nhong, người Cơ Tu, thôn Éo, chia sẻ với VOA: “Ở đây mấy đứa trẻ nhỏ nhiều khi không có áo để mặc. Mặc ba cái, bốn cái áo thun mỏng, chắp vá để đến trường, còn lại bữa sáng đôi khi cũng nhịn để đến trường.”
Bà Nguyễn Thị Xuyến, người Cơ Tu ở thôn Éo, chia sẻ với VOA: “Có nhiều gia đình không có gì ăn, mà có gia đình nghèo thì được nhà nước giúp mỗi nhà 10 kg gạo để ăn Tết. Cũng có nhà được giúp nước mắm, bánh kẹo để ăn Tết.”
Cháu Đinh Thị Hằng, học sinh lớp 6, người Cơ Tu, chia sẻ với VOA: “Tết là ăn món thịt, thịt chuột.”
Bà Đinh Thị Đức, người Cơ Tu ở thôn Éo, xã ba, Đông Giang, Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Đây là con chuột rừng kiếm về, bẫy về ăn Tết, là nhờ thằng em trai đi làm bẫy.”
Cháu Đinh Thị Hằng, học sinh lớp 6, người Cơ Tu, chia sẻ với VOA: “Tất cả những món này là dành cho ba ngày Tết.”
Tết, dành dụm ít tiền để mua nếp nấu bánh chưng, bánh tét hoặc ra cửa hàng ký nợ nếp, nợ kẹo đến mùa lúa lại trả. Tết, đàn ông ra rừng bẫy con chuột, con sóc, bắt con nhái về làm thịt, treo lên giàn bếp hun khói, đợi có khách quí đến thì mang ra mời và cả nhà cùng ăn. Tết, trẻ con được ăn thêm thịt chuột, thịt sóc, cá rô hun khói. Tết, người lớn phải tìm cách nào đó để có tiền ra mua cho trẻ con một bộ áo quần mới. Tết đến, người người, nhà nhà quên phắng đi cái nghèo và vui đón Tết. Tết như một lời yên ủi đằm thắm với người nghèo nơi rẻo cao lạnh lẽo, trẻ con mừng thêm một tuổi mới và giọng của chúng trở nên xôn xao, vui đến nao lòng người nghe