Người Việt từ trong nước cho đến hải ngoại đang chào đón năm mới Nhâm Dần trong không khí kém vui hơn những năm trước do dịch bệnh và ai cũng mong chờ sang năm mới, dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống của họ trở lại bình thường, theo tìm hiểu của VOA.
Năm nay, Việt Nam đón Tết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến căng thẳng nên chính quyền đã hủy nhiều hoạt động tập trung đông người, kể cả bắn pháo hoa đêm giao thừa, trong khi nhiều nước trên thế giới có đông người Việt vẫn còn đang vật lộn với biến thể Omicron.
‘Tết kém vui’
Ông Phạm Quang Long, chủ nhà hàng Oak Wine trên phố Tràng Thi, mô tả với VOA không khí ở thủ đô trong ngày cuối cùng của năm Tân Sửu là ‘đường vắng hết rồi, ngoài đường treo cờ kết hoa, chỉ còn lác đác vài quán cà phê hoạt động và vài người đi sắm Tết vội vàng’ trong khi những ngày giáp Tết Hà Nội ‘kẹt xe khủng khiếp’.
“Hà Nội lâu lắm rồi mới có rét đậm, rét ngọt như thế này,” ông cho biết và nói rằng đó là ‘cái rét đúng kiểu Tết Hà Nội’.
Tuy nhiên, ông Long nói năm nay Hà Nội đón Tết ‘kém vui hơn nhiều’ so với mọi năm vì ‘không có bắn pháo hoa, không có lễ hội’.
“Ngoài bắc thường thì Tết mọi người đi chùa. Năm nay các chùa đóng cửa hết nên mọi người không có nhiều nơi để đi,” ông giải thích. “Chỉ có đến nhà nhau chúc Tết hay ra quán uống cà phê thôi.”
Các lễ hội truyền thống nổi tiếng trong dịp Tết ở miền Bắc như lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử hay lễ hội phát ấn đền Trần… năm nay đều bị hủy hay thu hẹp quy mô do ảnh hưởng dịch bệnh, theo tìm hiểu của VOA.
Về tình hình COVID-19, ông Long nói: “Covid đã bùng ở Hà Nội hơn một tháng, bây giờ khi mọi người đã quen rồi thì họ đi ra ngoài đường nhiều.”
“Bây những những con số lây nhiễm không còn ai theo dõi nhiều như thời gian đầu,” ông nói thêm. “Lúc đầu mọi người rất hoảng loạn nhưng bây giờ đã thành ra rất bình thường.”
Theo lời ông thì ‘lác đác cũng có những người báo tin có người thân trong gia đình mất vì COVID-19 nhưng đó là những người lớn tuổi, những người có bệnh nền’.
Về phần mình, ông cho biết do quy định phòng dịch của Hà Nội yêu cầu các hàng quán đóng cửa sau 9 giờ tối nên lần đầu tiên sau nhiều năm kinh doanh quán rượu, ông phải đóng cửa nhà hàng suốt Tết.
“Tôi bán rượu vang nên khách chủ yếu ngồi muộn là chính,” ông giải thích. “Nhưng bù lại, nhờ đóng cửa nên lần đầu tiên tôi được đón Tết với gia đình.”
‘Tình hình sẽ ổn định’
Ông Long cho biết sáng mùng 1 ông sẽ bay vào thành phố Hồ Chí Minh ăn Tết với vợ con sống trong đó. Vốn thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn, ông mô tả cuộc sống ở thành phố lớn nhất nước ‘đã trở lại bình thường gần 80%’.
“Hôm 23 Tết tôi bay từ Sài Gòn ra, thấy trong đó đường hoa (Nguyễn Huệ) họ làm xong hết rồi. Mọi thứ đông vui, hàng quán không còn bị hạn chế giờ giấc gì hết,” ông kể.
Theo lời ông Long, vốn cũng từng mắc COVID mới đây, thì ‘không ai (ở Sài Gòn) sợ COVID nữa’ vì ‘ai cũng đã trải qua những thứ khủng khiếp nhất rồi’.
Ông Long nói ông mong ước qua năm Nhâm Dần ‘tình hình sẽ ổn định trở lại để tôi còn tiếp tục công việc kinh doanh’.
Ông bày tỏ với VOA sự tự tin là Việt Nam sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường vì ông quan sát ‘ngành dịch vụ đã có dấu hiệu khởi sắc’ nên ông ‘đã lên kế hoạch kinh doanh cho năm sau rồi’.
“Dịch bệnh rồi sẽ qua đi. Mình sẽ sống chung với nó theo hình thức nào đó,” ông nói. “Sẽ không còn chuyện ngăn sông cấm chợ nữa vì tiêm chủng đã được thực hiện trên cả nước rồi.”
Trao đổi với VOA, anh Nguyễn An Vy, 25 tuổi, hiện đang làm phục vụ quán cà phê ở quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, cũng hy vọng ‘năm sau sẽ tốt hơn năm vừa qua’.
“Năm nay tôi mong dịch bệnh sẽ được kiểm soát, chỉ cần có việc làm, còn đi cày được là được,” anh Vy, vốn thất nghiệp gần nửa năm trong năm 2021 do dịch bệnh, nói.
“Tiền tiết kiệm tôi đã lấy ra tiêu xài hết. Bây giờ tôi phải làm lại từ đầu,” anh giãi bày và cho biết trước khi thất nghiệp anh làm công nhân và mới tìm công việc mới này được một tháng.
Anh cho biết năm vừa rồi ‘may mắn là gia đình lớn và gia đình nhỏ của tôi không ai bị dịch bệnh hết’ và anh chỉ cầu mong trong năm mới ‘cả nhà có sức khỏe’.
Về tình hình đón Tết trong nhà, anh Vy, vốn phải đi làm ngày 29, nói nhà anh ‘đã chuẩn bị sương sương được 80-90%’. “Chiều 29 tôi đi làm về chỉ mua thêm vài thứ đồ nữa là xong,” anh nói.
Năm nay do kinh tế eo hẹp nên anh Vy nói anh ‘hạn chế tiêu xài trong dịp Tết và cũng không dám tới nhà ai chúc Tết’.
Đường phố Sài Gòn ngày 29 Tết, theo lời anh, ‘rất thưa thớt’. “Mọi năm mấy chỗ bán hoa đông lắm. Còn bây giờ lâu lâu mới có người chạy qua ghé một chút,” anh nói.
“Năm nay số người ở lại thành phố chắc nhiều hơn mọi năm. Do dịch bệnh nên các tỉnh quy định này nọ thành ra người ta cũng ngại về,” anh nói thêm.
‘Như ngày thường’
Từ Paris, bà Trần Thị Kim Hoa, vốn vượt biên sang Pháp được 45 năm, nói do vợ chồng bà cũng đã lớn tuổi ‘ngại đi đêm hôm nên sẽ không đến chùa vào đêm giao thừa như mọi năm’.
“Bên Tây mùa này do dịch bệnh nên tình hình cũng ảm đạm lắm, thành ra Tết nhất chỉ có quây quần trong gia đình thôi chứ không có làm nhiều như ngày xưa nữa,” bà nói và cho biết hai vợ chồng bà vẫn phải đi làm suốt Tết nên Tết đối với gia đình bà ‘như ngày thường’.
Bà cho biết do bà sống ở ngoại ô, xa các khu thương mại của người châu Á nên ‘cũng không sắm sửa Tết gì nhiều’ và ‘chỉ cúng giao thừa chút ít trong nhà vậy thôi’.
“Đón Tết ở xứ người như thế này mùa đông lạnh lẽo, không có người thân, bạn bè cũng đi làm, có gia đình thì mình cũng không quấy rầy người ta trong ba ngày Tư ngày Tết,” bà Hoa nói với VOA.
Khác với những người dân trong nước được VOA hỏi, bà Hoa nói bà ‘không tin dịch bệnh sẽ được đẩy lùi trong năm 2022’ mặc dù bà cũng cầu mong dịch bệnh chóng qua càng sớm càng tốt. “Ăn thua ý thức người dân thôi,” bà giãi bày.
Năm nay, chính phủ Pháp ra lệnh cấm tụ tập đông đúc nên những hoạt động như múa lân hay đốt pháo đều bị hủy hết, theo lời bà, và các hội đoàn Việt Nam sẽ tổ chức văn nghệ đón Tết vào Chủ nhật tới ‘để có không khí quê hương ở xứ người’ với điều kiện tập trung không quá 200 người trong không gian thoáng mát, rộng lớn.
“Đúng ra Tết năm ngoái còn buồn hơn năm nay. Năm ngoái chính phủ còn cấm triệt để tập trung đông người,” bà cho biết.
Bà nói sau 45 năm xa xứ, bà chưa một lần về lại Việt Nam đón Tết. Bà vẫn ‘nhớ quê hương, nhớ Tết trước năm 1975’ và cho biết bà chỉ về lại ‘khi nào Việt Nam được sống trong tự do và có nhân quyền’.
Bà thừa nhận với VOA ngày Tết truyền thống của người Việt ‘sẽ bị mai một ở thế hệ con cháu của bà’. “Con cái tôi tụi nói lớn ra riêng hết. Nếu vợ chồng tôi không còn nữa thì con cháu sau này sẽ không còn biết đến ngày Tết nữa nếu không ra khu vực Á châu,” bà nói.
“Mình sống ở đâu thì phải thích nghi thôi chứ không thể bắt buộc con cháu theo mình được,” bà trần tình và cho biết ngày Tết chỉ có hai vợ chồng bà đợi điện thoại chúc Tết của họ hàng từ Việt Nam gọi qua.
‘Tự tin đón Tết’
Tại Portland, thành phố lớn nhất bang Oregon, năm 2022 là năm đầu tiên cộng đồng người Việt ở đây tổ chức đón Tết trở lại sau hai năm gián đoạn vì dịch. Lần tổ chức Tết gần đây nhất của cộng đồng là Tết Canh Tý năm 2020.
“Khi tỷ lệ chích ngừa trong cộng đồng Việt đạt được gần 95%, chúng tôi quyết định tổ chức Tết cho bà con ăn Tết đông vui, nhộn nhịp,” ông Từ Đức Tháo, chủ tịch cộng đồng người Việt bang Oregon, nói với VOA.
Cộng đồng đã mượn một địa điểm trong chợ Thuận Phát ở Portland để tổ chức Tết vào cuối tuần qua, ông Tháo nói, với các hoạt động như chào cờ, cúng tổ tiên, văn nghệ, tiệc Tết, trình diễn áo dài, lì xì, múa lân, đốt pháo và dạ vũ vào buổi tối.
“Ít ra cũng được 80% so với trước đây,” ông nói và cho biết một số hoạt động đã phải bị hủy vào giờ chót, chẳng như các màn văn nghệ, trình diễn Tiếng Việt và trò chơi của trẻ em, do ‘người phụ trách bị COVID phải cách ly ở nhà’.
Buổi tiệc đón Tết có sự tham dự của các quan chức bang Oregon, hạt Multnomah, thành phố Portland và lãnh đạo cảnh sát, ông Tháo cho biết. Đã có ‘gần 20 ca sỹ ở Portland và các thành phố lân cận trình diễn’ và đội lân ‘có đến 16 con lân’, ông Tháo nói. Tuy nhiên, số lượng bà con tham dự ít hơn mọi năm, cũng theo lời ông Tháo.
“Các vị lớn tuổi, đặc biệt là các cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa ở nhà hết mặc dù chúng tôi đã gửi thư mời rất nhiều lần,” ông cho biết. “Họ nói họ lớn tuổi rồi, ra sợ bị dịch bệnh về làm khổ cho con cháu’.
“Điểm qua số bao lì xì phát ra thì chúng tôi thấy năm nay chỉ phát được vỏn vẹn có 75-80 bao so với những năm trước ít nhất cũng có 300 em nhận lì xì,” vị chủ tịch cộng đồng này nói với VOA.
Ông Tháo nói bản thân ông và mọi người trong cộng đồng đều mong ước ‘làm sao sinh hoạt trở lại bình thường như trước, cuộc sống không còn bị dịch bệnh ám ảnh và ra đường không cần phải đeo khẩu trang nữa’.
“Phải nói tâm trạng của mọi người rất là vui. Có những người gặp nhau nói là đã tròn hai năm rồi chúng ta mới gặp lại,” ông kể.
Theo như ông quan sát thì Tết năm nay mọi người ăn Tết ‘xôm tụ’ hơn năm ngoái với lượng bánh mứt ngoài chợ ‘người ta mua rất nhiều’.
Trong gia đình ông, bản thân ông đã xin nghỉ làm ngày mùng 1 nhưng do con trai lớn của ông đang là sinh viên sỹ quan trừ bị không lực Hoa Kỳ ở Đại học Portland và vợ ông đi làm nên ông chỉ có đón Tết trong nhà cùng với người con trai thứ hai đang học lớp 12.
“Gia đình tôi sẽ đi chùa vào tối giao thừa,” ông nói. “Vào mùng 1 tôi sẽ gọi phone chúc Tết bà con xa gần và bằng hữu trong cộng đồng Việt Nam để nhớ lại những ngày tháng mình từng ăn Tết ở quê hương.”
Nhà ông cũng trang hoàng ngày Tết với ‘mai Mỹ, hoa cúc’ và nấu những món ăn truyền thống như thịt kho hột vịt, canh khổ qua, dưa món, củ kiệu, ông cho biết, và được biếu rất nhiều bánh chưng, bánh tét ‘ăn không hết’.
“Ở đây các nhà thờ, nhà chùa đều có tổ chức gói bánh tét, bánh chưng, và vài nơi có dạy cho các cháu thanh thiếu niên gói bánh,” ông Tháo nói.