Nỗi đau mất mát người thân trong đại dịch COVID-19 cùng với thu nhập giảm sút trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người dân ở thành phố Hồ Chí Minh không còn tâm trí đón Tết hoặc đón Tết trầm lắng hơn mọi năm, theo tìm hiểu của VOA.
Việt Nam nói chung và thành phố lớn nhất nước nói riêng đã trải qua một năm dịch bệnh tàn khốc với trên 2 triệu ca nhiễm và gần 36.000 người chết, theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam tính đến ngày 19/1 năm 2022. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh chiếm phần lớn với gần 512.000 ca nhiễm và trên 20.000 ca tử vong.
Trong lúc chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết Nhâm Dần, vốn là thời điểm buôn bán nhộn nhịp nhất mọi năm, nhưng năm nay tình hình ảm đạm với chợ vắng khách, mua bán ế ẩm và tiểu thương ráng cầm cự, theo tường thuật của tờ Thanh Niên.
‘Giảm một nửa’
Tại chợ Bình Tây, chợ đầu mối cung cấp hàng tiêu dùng cho toàn bộ các tỉnh miền Nam, bà Phạm Thúy Hiền, chủ sạp bánh kẹo Thúy Hiền, cho VOA biết tình hình kinh doanh của bà bết bát hơn mọi năm mặc dù càng gần đến Tết khách hàng đi chợ có đông hơn.
Theo lời bà thì sức mua ở tiệm bà năm nay ‘chỉ bằng một nửa năm rồi’. Số khách hàng mua đi và lượng mua của khách hàng cũng ít đi ‘chỉ còn 5 phần đổ lại’, bà Hiền nói.
Về mối sỉ lấy hàng của bà đem về bán dưới quê, bà cho biết ‘cũng lấy ít hơn, do ở dưới cũng có dịch bệnh nên người ta cũng không dám mua bán nhiều’.
“Năm nay người ta không dám làm hàng, mùa dịch người ta sợ bán không được nên làm hàng ít lắm. Đến bữa nay (17 tháng Chạp) người ta cũng nghỉ hết rồi,” bà nói.
“Nguồn hàng có ít nên thành ra cũng không bán được nhiều,” bà nói thêm.
Đối với ông Mai Ngọc Toàn ở quận 12, mùa cận Tết hàng năm là mùa làm ăn chủ lực của ông do ông làm nghề làm giò chả và gói bánh chưng bỏ mối. Ông nói với VOA đến thời điểm này, số lượng đơn hàng mà ông nhận được ‘thấp hơn năm ngoái từ 30 đến 50%’.
“Các năm trước người ta ở trên này đi làm, xong rồi tới lúc về quê sẽ đặt một số lượng hàng đem về quê ăn Tết. Năm nay trong đợt dịch vừa rồi người ta về quê hết rồi,” ông Toàn giải thích tại sao ông nhận được ít đơn hàng như vậy.
Về giá cả, ông Toàn cho biết năm nay hàng hóa Tết không tăng giá như mọi năm. Bản thân ông vẫn giữ giá bánh chưng từ 120 đến 150 ngàn đồng một cái tùy kích cỡ.
Ông cho biết năm nay dù làm ăn không được như trước nhưng do vợ chồng ông có đến bốn con nhỏ nên ‘ăn Tết vẫn phải ăn thôi’.
“Ăn thì có bao nhiêu đâu chỉ có mấy ngày thôi,” ông phân trần. “Chỉ là tiêu xài thì cắt bớt, chỉ chi tiêu những gì cần thiết.”
Theo lời ông thì mỗi năm gần Tết, ông mua sắm quần áo, giày dép cho con ‘mỗi đứa vài triệu’, còn bây giờ ‘chỉ gói gọn mấy trăm ngàn thôi’. “Có nhiêu mặc nhiêu chứ không se sua nữa,” ông nói.
Cả gia đình ông Toàn gồm hai vợ chồng và bốn đứa con, trong đó có một em bé mới sinh, đều nhiễm COVID-19 trong năm vừa qua, ông cho biết. Do đó, ông nói giờ ông ‘lì rồi, không sợ nữa’ và tính đến Tết sẽ đưa vợ con đi chơi.
“Chỉ cần giữ kỹ chút thôi vì chắc trong người có kháng thể rồi,” ông nói. Riêng về đi chúc Tết, ông cho biết chỉ ‘đi hai bên nội ngoại vì đó là trách nhiệm’, còn bạn bè thân hữu ‘thì chỉ gửi lời chúc qua Zalo hay Facebook chứ không tụ tập’.
‘Mong Tết qua lẹ’
Đối với anh Long, 33 tuổi, một nhân viên kinh doanh sống ở huyện Bình Chánh không muốn nêu đầy đủ tên họ, năm 2021 là ‘một năm đại nạn’ vì anh lần lượt mất cả bà ngoại và mẹ chỉ trong vòng 7 ngày vì COVID-19. Đến cuối năm, vợ chồng anh lại ly dị, anh nói với VOA.
Anh nói những ngày gần đến Tết, anh ‘cảm thấy rất trống trải, trong đầu không nghĩ được cái gì’.
“Năm nay mình chỉ muốn qua cho lẹ thôi. Mong thời gian trôi nhanh qua năm sau để mình làm lại cuộc sống của mình,” anh giãi bày.
Theo lời anh kể thì năm ngoái đến tầm này (17 tháng Chạp) ‘gia đình anh rất vui’. “Mỗi lần tôi đi làm về mở cửa vào nhà mẹ lại hỏi đã mua củ kiệu chưa, đã sắm sửa đồ đạc trong nhà chưa, rồi mẹ kêu vợ chồng tắm rửa rồi vào ăn cơm với mẹ,” anh nói.
Thời điểm này hàng năm thì anh đã ‘dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sơn dặm tường’, anh cho biết, nhưng năm nay thì anh ‘không muốn làm gì nữa’. “Mỗi năm gần đến Tết là tôi hết ăn cơm nhà rồi mà chỉ chở vợ đi chơi, đi sắm quần áo,” anh kể.
Anh nói khi ra đường thấy nhà người ta sum họp vui vẻ anh ‘thấy vui cho người ta’, nhưng suy nghĩ tới mình ‘thì lại chạnh lòng, buồn và chảy nước mắt’.
Anh Long dự định đến 22 tháng Chạp, tức ngày tảo mộ theo phong tục Việt Nam, sẽ về quê xây mồ mả cho bà ngoại. Còn cốt mẹ anh để ở chùa thì đến Tết anh sẽ đến thăm, anh cho biết.
Tết năm nay, anh nói là đối với anh ‘chỉ như ngày thường được nghỉ làm để xả hơi thôi’. Anh tính sẽ chở con gái nhỏ đi chơi, ngoài ra ‘ở nhà không đi đâu’.
“Tôi chỉ lủi thủi trong nhà một mình thôi, lúc nào buồn quá thì đi uống cà phê cho qua nỗi buồn rồi về,” anh bày tỏ.
Về mua sắm Tết, anh nói anh chỉ ‘sắm đồ cho con đủ mặc’ và ‘mua đồ ăn để mình tôi ăn trong mấy ngày Tết’.
“Tôi cũng mua trái cây về cúng kiếng như hồi xưa mẹ chỉ, và chỉ làm mâm cơm cúng kiếng đơn giản thôi chứ không vui vẻ như những năm trước,” anh nói thêm.
Theo quan sát của anh Long thì không khí giáp Tết Nhâm Dần ‘rất trầm lắng’. “Không có ai hỏi nhau là đã sắm sửa, chuẩn bị Tết nhất gì chưa,” anh cho biết.