Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ đến được World Cup, nhưng niềm đam mê World Cup ở quốc gia Đông Nam Á này có thể được xếp vào hàng đầu của thế giới, thậm chí cao hơn nhiều so với một số nước có đội tuyển nằm trong số 32 đại diện đang dự tranh World Cup ở Nam Phi.
Các trận đấu hay ngặt một nỗi thường diễn ra sau lúc nửa đêm giờ Việt Nam, thế nhưng xem World Cup ở Việt Nam ngày nay là một nhu cầu tất yếu, chứ không còn bị "đi sưu" xem bóng đá như trong Tinh thần thể dục của nhà văn Nguyễn Công Hoan thời Pháp thuộc nữa.
Đa số fan bóng đá Việt Nam vẫn chọn cách tiện lợi, truyền thống và đơn giản nhất là trung thành với màn ảnh tivi ngay trong nhà để "hành trình cùng World Cup."
Thêm một nỗi ngặt nữa đã có từ thời của cụ Nguyễn Công Hoan là khi xem bóng đá "phải vỗ tay luôn luôn" bất chấp "hôm ấy có nhiều quan khách" hay không. Vỗ tay cổ vũ ngay trong nhà đôi lúc cũng bất tiện, vả lại không có đám đông để cùng bàn luận hay tranh cãi thì cũng kém phần sôi nổi. Do đó nhiều fan hâm mộ, nhất là giới trẻ thường tìm đến các tụ điểm công cộng có màn ảnh rộng, hay các nhà hàng, quán bar để xem trên các màn ảnh lớn, và cùng reo hò cổ vũ.
Nhà hàng Vạn Tuế Thái Thịnh ở quận Đống Đa, Hà Nội chuẩn bị rất chu đáo để phục vụ khách hàng trong dịp World Cup này. Bà Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc công ty chủ sở hữu nhà hàng này nói với đài VOA rằng hệ thống nhà hàng của công ty bà sẵn sàng tiếp đón cả ngàn khách trong những ngày World Cup.
Bà Nguyễn Minh Tâm: "Chúng tôi chuẩn bị rất đầy đủ. Chúng tôi mời các danh thủ, cầu thủ bóng đá nổi tiếng, các ca nhạc sĩ đến tham dự. Chúng tôi chuẩn bị ra nhiều món ăn mới. Chúng tôi tăng cường quân số, nhân viên của chúng tôi phục vụ 100% để đón tất cả các khách hâm mộ bóng đá. Chúng tôi còn mời các đài truyền hình, báo thể thao đến để quay trực tiếp tại nhà hàng.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức hoành tráng như thế này kể từ khi hệ thống Vạn Tuế của chúng tôi khai trương đến giờ. Chúng tôi có thể phục vụ từ khoảng 1.500 đến 1.800 khách. Chúng tôi đón khách trong tất cả các ngày. Ngày khai mạc và ngày kết thúc là hai ngày lớn nhất.
Chúng tôi phục vụ khách bằng những tivi màn hình lớn 300 inch, màn chiếu, trang bị tivi ở tất cả mọi chỗ có thể để khách ngồi ở bất cứ vị trí nào cũng có thể xem được bóng đá.
Chúng tôi tổ chức thi dự đoán có thưởng, không phải là cá cược, để khách tham dự thêm phần sôi động."
Bà Hoàng Sa, Trưởng phòng Thể dục Thể thao của Nhà Văn hóa Thanh niên, một tụ điểm xem World Cup rất phổ biến với fan bóng đá ở Sài Gòn, nói với đài VOA rằng có thể có đến 5 ngàn người người hâm mộ đến tụ điểm này để xem các trận đấu hấp dẫn.
Bà Hoàng Sa: "Mỗi lần World Cup đến thì Nhà Văn hóa sẽ tổ chức cho thanh nhiên yêu thích bóng đá đến xem các trận đấu trên màn ảnh 300 inch, vào cửa miễn phí.
Fan hâm mộ bóng đá ở Việt Nam rất cuồng nhiệt, nhất là bóng đá thế giới, 4 năm mới có một lần mà! Lượng khán giả đổ về đây, nhất là trận khai mạc, hay những trận hay khi vô vòng 1/16, rồi vòng 1/8, tứ kết, bán kết, và chung kết rất đông, có lúc lên đến 5 ngàn khán giả ở một trận hay.
Đến tham dự chương trình thì khán sẽ được tham gia những trò chơi hấp dẫn, giao lưu với các bình luận viên, phóng viên thể thao, các nghệ sĩ hài, các ca sĩ, các cầu thủ thế hệ vàng của Việt Nam như Liêm Thanh, hay Minh Chiến."
Cao cấp hơn vào thời buổi toàn cầu hóa này, thì những fan bóng đá Việt Nam có điều kiện có thể bay sang Nam Phi mua vé vào xem trực tiếp các trận đấu quốc tế tại các sân vận động. Anh Nguyễn Đức Trung ở thành phố Pretoria, Nam Phi, chuyên lo dịch vụ mua vé xem bóng đá cho các fan Việt Nam, cho đài VOA biết là nhiều fan Việt Nam sẵn sàng bỏ ra bạc ngàn đôla để mua vé xe các trận bán kết hoặc chung kết.
Anh Nguyễn Đức Trung: "Tuy Việt Nam không đá nhưng fan hâm mộ Việt Nam sang cũng rất nhiều. Có khoảng trên dưới 100 người Việt Nam sang [Nam Phi để] xem bóng đá [trực tiếp tại sân vận động]. Tôi có thể giúp những người đó mua vé, và lo cho các dịch vụ như chỗ ở, và xe cộ để đi lại. Và tôi cũng có thể cấp giấy mời để họ xin visa sang Nam Phi nữa.
Cổ động viên Việt Nam hay tìm vé xem các trận từ tứ kết trở lên. Họ yêu cầu rất cao, họ đòi vé của các trận tứ kế, bán kết hoặc chung kết. Mà đa phần là tìm vé chung kết. Mà vé chung kết thì rất khó không phải ai cũng mua được. Thế nên các fan sẽ hạ dần mức yêu cầu xuống còn tứ kết, hay vòng loại, nhưng chỉ những trận vòng loại hay, như Tây Ban Nha – Chile, hoặc Hà Lan-Đan Mạch thôi.
Vé chợ đen thì tất nhiên là có rất nhiều. Đặc biệt là người Ấn Độ hay buôn bán theo kiểu chợ đen. Tôi cũng biết vài mối để có thể giúp mua vé chợ đen. Vé tứ kết [tính đến thời điểm này] vào khoảng 1.200 đôla [Mỹ] một vé.
[Về đối tượng fan Việt Nam sang Nam Phi xem World Cup] Cầu thủ chuyên nghiệp thì tôi không được biết là có ai không, nhưng đại gia có nhiều tiền muốn sang Nam Phi thì rất nhiều. Và những người được tài trợ nữa, như được đài truyền hình, công ty dầu khí, công ty bảo hiểm tài trợ cho những người có chức vụ cao sang xem World Cup."
Càng có nhiều phương tiện để chọn lựa khi xem vòng chung kết như vậy, chắc chắn "cơn sốt World Cup" ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao khi giải đấu càng vào sâu.
Fan bóng đá ở Việt Nam ngày nay có nhiều chọn lựa để thưởng thức vòng chung kết bóng đá thế giới. Phần lớn vẫn chọn cách đơn giản nhất là ngồi xem tivi tại nhà, song những ai thích không khí sôi động hơn có thể tìm đến những nơi công cộng có màn ảnh rộng để vừa xem vừa cùng đám đông reo hò cổ vũ, cao cấp hơn thì có nhiều người bay đến Nam Phi để vào sân vận động xem trực tiếp các trận đấu. Trong câu chuyện thể thao kỳ này, Tấn Chương mời qúy vị cùng dạo qua một số phương tiện đang sẵn có ở Việt Nam để fan bóng đá thưởng thức World Cup trong những ngày này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1