Đường dẫn truy cập

World Bank: Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020


Công nhân một nhà máy may ở Việt Nam.
Công nhân một nhà máy may ở Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới công bố thông tin nói rằng Việt Nam “ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng Tư năm 2020 do xuất khẩu giảm nhẹ và nhập khẩu vẫn tăng”.

Tuy nhiên, tổ chức này đánh giá thêm rằng “hiện còn quá sớm để kết luận liệu điều này có thể hiện một xu hướng mới trong cán cân thương mại hàng hóa hay không”.

Ngân hàng Thế giới công bố số liệu cho biết rằng trong tháng 2/2021, xuất khẩu hàng hóa giảm 4,2% trong khi nhập khẩu tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thâm hụt thương mại.

Vẫn theo World Bank, lạm phát tăng do kết thúc hỗ trợ giảm giá điện đợt 2 và nhu cầu trong nước cao hơn trong dịp Tết Nguyên đán, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 12,0%, tương đương mức tăng trưởng ghi nhận trong những tháng gần đây.

Theo bản phúc trình “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” công bố hôm 14/3, trong hai tháng đầu năm 2021, chính phủ Việt Nam đã tăng thu ngân sách khoảng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái do chính sách tài khóa ít nới lỏng hơn, trong khi giải ngân đầu tư công chậm hơn làm giảm tổng chi ngân sách.

Liên quan tới đại dịch COVID-19, Ngân hàng Thế giới cho rằng chính quyền trong nước đã nhanh chóng hành động để kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 mới, bắt đầu vào cuối tháng Một năm 2021 tại Hải Dương.

World Bank cho rằng sự phục hồi kinh tế của Việt Nam “đang đi đúng hướng khi sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng dương trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ ba”.

Tổ chức này cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam “cần đặc biệt chú ý” đến việc triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 “vì hoạt động này sẽ tác động đến tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam”.

Theo báo chí trong nước, chính phủ Việt Nam đã thông qua nghị quyết mua tổng cộng khoảng 150 triệu liều vắc xin phòng bệnh COVID-19.

Ngoài vắc xin đã nhận của AstraZeneca, Bộ Y tế Việt Nam cho biết đang tiếp tục đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (Sputnik V)… để có thể tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng để triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong nước.

Bộ này hôm 16/3 cho biết rằng dự kiến, ngày 25/3 tới, những lô vắc xin đầu tiên từ nguồn của Chương trình COVAX (khoảng 1,37 triệu liều vắc xin AstraZeneca) sẽ về đến Việt Nam. Trước đó, Chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới chủ trì cam kết hỗ trợ 30 triệu liều vắc xin cho Việt Nam theo từng đợt trong năm 2021.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất ba thập kỷ vì COVID-19, thiên tai và kinh tế toàn cầu suy thoái, Reuters đưa tin, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố hôm 27/12/2020.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2,91% trong năm 2020 sau khi trước đó đạt mức trên 7% trong hai năm liên tiếp, theo GSO.

Theo VnExpress, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm kể từ năm 2016. Bình quân cả năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với năm 2019.

Tổng cục Thống kê được Reuters dẫn lời nói trong một thông cáo rằng dù GDP năm nay “là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ”, nhưng “trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới”.

Trước đó trong năm, Ngân hàng Thế giới nhận định rằng kinh tế Việt Nam “vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi” dù bị ảnh hưởng “nghiêm trọng” vì COVID-19.

Tổ chức tài chính này đánh giá thêm rằng nền kinh tế “sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8%” cho cả năm 2020 và “6,8% trong năm 2021”, nếu tình hình thế giới từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020.

VOA Express

XS
SM
MD
LG