Việt Nam tăng hạng trên bảng Chỉ số Tự do Kinh tế của Viện nghiên cứu Heritage Foundation của Mỹ mới công bố, trong đó quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên lọt vào nhóm các nền kinh tế có chỉ số “tự do trung bình.”
Trên bảng Chỉ số Tự do Kinh tế 2021 thường niên mà Heritage Foundation (Quỹ Di sản), một viện nghiên cứu chính sách bảo thủ có trụ sở ở thủ đô Washington, công bố hôm 4/3, Việt Nam đứng thứ 90 trong tổng số 178 quốc gia được đánh giá, với Singapore ở vị trí dẫn đầu.
Với việc ghi thêm 2,9 điểm chủ yếu do tình hình tài chính trong nước được cải thiện, Việt Nam có tổng số 61,7 điểm và tăng 15 bậc để để lần đầu tiên lọt vào nhóm kinh tế “tự do trung bình”, trong đó có một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha (hạng 39) và Pháp (64) cùng nhiều nước Nam Mỹ và châu Phi. Các quốc gia châu Á khác lọt vào nhóm có thang điểm từ 60 đến 69,9 còn gồm Thái Lan (42), Indonesia (56), Brunei (57), và Philippines (73).
Trong 12 tiêu chí đánh giá, Việt Nam tăng điểm trong các hạng mục về quy mô chính phủ và sự hiệu quả của các điều luật. Trong số đó, Việt Nam, một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch gây khủng khoảng trên khắp thế giới, đã có sự cải thiện đáng kể nhất về mức chi của chính phủ, gánh nặng thuế và sức khoẻ tài chính.
Theo Heritage, chi tiêu chính phủ của Việt Nam đạt mức 21,6% GDP trong 3 năm qua, và mức thâm hụt ngân sách ở mức trung bình 2,9% GDP trong khi nợ công tương đương với 42,9% GDP. Viện nghiên cứu Mỹ cho rằng đây là một sự tiến bộ so với năm trước đó.
Tuy nhiên mức tụt điểm nhiều nhất của Việt Nam là chỉ số về tự do thương mại cùng với quyền sở hữu trí tuệ và sự hữu hiệu về tư pháp.
Nhà nước Việt Nam tiếp tục tham gia vào ngành tài chính, và theo đánh giá của Heritage, tự do kinh doanh ở quốc gia Đông Nam Á có sự sụt giảm nhẹ so với các nước khác. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn đang được triển khai và “thực thi không đồng đều,” theo viện nghiên cứu của Mỹ. Heritage cho rằng quyền sử dụng đất “vẫn còn là một vấn đề” ở Việt Nam trong khi “nền tư pháp kém phát triển lại vấp phải nạn tham nhũng” và “chịu sự quản lý của Đảng Cộng sản, cơ quan kiểm soát các toà án các cấp.”
Theo đánh giá của Heritage, tham nhũng vẫn là một vấn đề lớn trong toàn bộ chính phủ Việt Nam.
Trong số 40 quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 17 với điểm tổng thể cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới, theo nhận định của Heritage, nơi công bố bảng chỉ số từ năm 1995.
Nhìn chung trên toàn thế giới, Chỉ số Tự do Kinh tế 2021 tiếp tục cho thấy tự do kinh tế là tiêu chuẩn với phần lớn các quốc gia nằm trong nhóm “tự do trung bình”, trong đó có Việt Nam.
Ngoài Singapore ở vị trí số 1, bốn nước còn lại trong nhóm các nền kinh tế “tự do” gồm có New Zealand, Australia, Thuỵ Sỹ và Ireland, lần lượt từ vị trí thứ 2 đến thứ 5 trên bảng Chỉ số Tự do Kinh tế, mà Heritage dùng để đo lường chính sách tự do kinh doanh ở các nền kinh tế trên thế giới dựa trên việc đánh giá các yếu tố cơ bản của mỗi nền kinh tế.
Mỹ và Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất và thứ 3 thế giới lần lượt ở thứ hạng 20 và 23, nằm trong nhóm các nền kinh tế “gần tự do”, trong đó có Anh (7) và Đức (29).
Trung Quốc tụt hạng xuống vị trí thứ 107 trong nhóm các nền kinh tế “hầu như không tự do”, trong đó có hầu hết là các quốc gia châu Phi và một số nước châu Á như Bangladesh (120), Ấn Độ (121), Miến Điện (135) và Lào (141).
“Thế giới tự do đang phải đối mặt với thách thức ghê gớm từ một nước Cộng sản đang trỗi dậy là Trung Quốc, hiện đang tìm kiếm sự thống trị đối với nền kinh tế ghế giới bằng những ý tưởng kinh tế không tự do,” Chủ tịch Heritage Foundation, Kay James, nói trong thông cáo báo chí khi công bố Chỉ số Tự do Kinh tế 2021 hôm 4/3. Bà kêu gọi “các quốc gia tự do cần phải đứng lên trước thách thức này, đẩy lùi và thúc đẩy tự do hơn nữa vì sức khoẻ tài chính và thể chất của chính người dân của họ.”