Chủ tịch Ngân hàng Thế Giới, ông Robrt Zoellick cho hay trên thực tế mọi nước trên thế giới đều trong tình trạng kinh tế hết sức eo hẹp.
Ông nêu lên rằng châu Âu đang phải vất vả với khu vực đồng Euro. Hoa Kỳ đang sa lầy với nợ nần và thâm hụt ngân sách và đang hết sức cần tới một sách lược tăng trưởng kinh tế. Nhật Bản thì đang ra khỏi một thảm họa hạt nhân và đang vất vả với mức tăng trưởng thấp.
Ông nói: ”Vì thế theo tôi, dường như ngoài việc tìm cách giải quyết nợ nần và thâm hụt ngân sách, thế giới còn cần một sách lược tăng trưởng toàn cầu. Tự do mậu dịch là động cơ thúc đẩy tăng trưởng. Nó là động cơ tốt nhất của các hình thức cơ cấu mà thế giới đã chứng kiến. Chúng ta đã chứng kiến nó với tính hiệu quả đã được chứng minh trong suốt 60 hay 70 năm qua. Vì vậy tại sao không làm sống dậy vòng đàm phán Doha?”
Đây là câu hỏi đặt ra thì dễ nhưng trả lời lại khó. Ông Zoellick đã bỏ rất nhiều thời giờ và công sức trong tư cách là một thương thuyết gia thương mại tại Doha. Ông đã giúp phát động vòng đàm phán Doha về tự do mậu dịch năm 2001 và vẫn rất thất vọng vì 10 năm sau chuyện đạt được một hiệp định vẫn còn rất xa vời.
Nông nghiệp vẫn còn là một trở ngại lớn khiến các nước không đạt được thỏa thuận. Các quốc gia đang phát triển đang đòi Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu EU cắt trợ giúp nông nghiệp. Nhưng Hoa Kỳ và các nước EU đang đòi các quốc gia đang phát triển và những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Brazil mở cửa thị trường đón nhận hàng công nghiệp và để cho thêm các dịch vụ của họ được tiến vào những thị trường đó.
Vì những đòi hỏi đối nghịch này dường như không giải quyết được, các thương thuyết gia tại vòng đàm phán Doha đang thảo luận về hiệp định có tầm cỡ nhỏ hơn để có được những nhượng bộ thương mại, nhưng vẫn chưa đạt được đồng thuận về những vấn đề gì cần được đề cập đến trong hiệp định này.
Ông Zoellick không hề phấn khởi đối với một “ tiểu hiệp định” như vậy, vì theo ông nó cũng khó đạt được y như bản hiệp định có tầm cỡ lớn. Ông gọi đây là việc làm giảm thiểu giá trị của vòng đàm phán Doha.
Ông nói tiếp: "Vì thế tôi khuyến nghị nên xoay chuyển chiều hướng. Giờ đây, chắc chắn tôi hiểu rằng chuyện này đòi hỏi tài lãnh đạo và nó phải tới từ những quốc gia chính yếu đã phát triển cũng như các quốc gia có thị trường mới trỗi dậy. Đây là một thế giới khác với thế giới cách nay 15, 20 năm. Vì thế rõ ràng là Hoa Kỳ, có nền kinh tế lớn nhất thế giới, là một ứng viên đủ khả năng để làm chuyện này. Tại sao lại không? Hoa Kỳ sẽ cắt giảm trợ giúp nông nghiệp vì nó là một phần của thỏa thuận ngân sách. Vừa mới có một thỏa thuận tại Quốc hội Hoa Kỳ để cắt giảm không những mức thuế quan đánh vào Ethanol, mà còn cắt giảm trợ cấp cho nông gia sản xuất nguyên liệu cung cấp cho ngành sản xuất ethanol nữa.”
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới gọi đây là một thời điểm nghiêm trọng. Ông cảnh báo rằng những nước giao thương lớn thất bại không hạ giảm được các rào cản thương mại đang gây nguy cơ cho mức tăng trưởng kinh tế, nhất là cho các quốc gia nghèo nhất.
Ông nói thật là một lỗi lầm quá lớn cho các quốc gia để cho vòng đàm phán Doha tàn lụi. Ông cho biết vào một thời điểm mà thế giới vô cùng cần tới một sách lược thúc đẩy tăng trưởng, thì khép chặt lại, thay vì mở rộng thêm, các thị trường sẽ là điều tệ hại nhất mà các quốc gia có thể làm.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Robert Zoellick đang khuyến nghị Hoa Kỳ hãy dẫn đầu trog việc thúc đẩy vòng đàm phán Doha về tự do mậu dịch đang gặp bế tắc. Ông nói tự do mậu dịch là phương cách hay nhất để giúp nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn. Ông Zoellick từ Geneve đã đưa ra một đánh giá thẳng thắn về các cuộc thảo luận tại Tổ chức Thương mại Thế giới.